Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trương Minh Hoàng, huyện tập trung lãnh, chỉ đạo công tác bồi thường, GPMB các dự án trên địa bàn huyện theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy gắn với Chương trình số 15-CTr/HU, ngày 03/12/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, GPMB; tập trung lãnh đạo phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong việc thực hiện các quyết định thu hồi đất tại những vùng có dự án để tạo sự lan tỏa, đồng thuận trong nhân dân.
Khu công nghiệp Hựu Thạnh đã giải phóng mặt bằng trên 90%, đang tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng
Mặt khác, huyện nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ các cấp lãnh đạo; các địa phương trong huyện xem đây là nhiệm vụ trọng tâm nên tập trung quyết liệt thực hiện,... Nhờ đó, công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn đạt những kết quả tích cực. Nhiều dự án (DA) hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả, đóng góp thiết thực vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
Chị Nguyễn Thị Thoa (ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) chia sẻ: "Gia đình tôi có trên 500m2 đất trong DA công nghiệp tại xã và nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho Nhà nước theo đúng chủ trương. Phần đất sau khi thu hồi đã xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho nhiều người dân ở địa phương, trong đó có vợ chồng tôi với mức thu nhập khá. Người dân hy vọng khi thu hồi đất, Nhà nước có biện pháp ràng buộc chủ đầu tư, buộc đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, tránh lãng phí, gây bức xúc trong dư luận".
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty (Cty) IDICO (chủ đầu tư Khu công nghiệp Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa) - Đặng Chính Trung, toàn khu có tổng diện tích trên 524ha. Thời gian qua, Cty nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời từ các cấp lãnh đạo, nhất là huyện Đức Hòa trong công tác bồi thường, GPMB. Đến nay, toàn khu đã GPMB gần 500ha, tương ứng trên 90%. Đối với diện tích còn lại, Cty tiếp tục phối hợp địa phương để đẩy mạnh, sớm hoàn thành công tác bồi thường, GPMB, TĐC. Bên cạnh đó, Cty cam kết tập trung các nguồn lực để xây dựng một khu công nghiệp đẹp, chuẩn, trở thành hình mẫu về thu hút đầu tư của tỉnh.
Huyện Đức Hòa triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung đẩy mạnh giải phóng mặt bằng
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trương Minh Hoàng thông tin: Huyện đang GPMB 97 DA với tổng diện tích đất thu hồi trên 6.112ha, gần 19.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, 17 DA từ ngân sách nhà nước, 80 DA ngoài ngân sách. Năm 2022, huyện đã tổ chức chi trả được 32 DA với 1.524 hộ, số tiền gần 4.600 tỉ đồng, tổng diện tích đất thu hồi trên 200ha.
Tuy nhiên, huyện vẫn còn những hạn chế, vướng mắc nhất định trong công tác bồi thường, GPMB, TĐC liên quan đến cơ chế, chính sách. Một số chủ đầu tư năng lực thấp, chậm chi trả tiền bồi thường ảnh hưởng đến tiến độ; DA kéo dài gây lãng phí đất đai; một số hộ dân còn khiếu nại về giá bồi thường; công tác kiểm đếm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chủ sử dụng đất không phải người dân ở địa phương; chưa cập nhật chỉnh lý biến động kịp thời, lúc thông báo thu hồi đất của từng hộ dân trong DA thường sai về chủ sử dụng, tờ bản đồ, số thửa, loại đất,... nên khi công bố cho người dân thì nội dung không đúng, người dân không đồng ý nhận thông báo. DA sau thường có đơn giá bồi thường cao hơn các DA triển khai trước nên các hộ chưa nhận bồi thường của DA trước khiếu nại, gây khó khăn trong công tác GPMB;...
Xác định công tác bồi thường, GPMB, TĐC có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển KT-XH địa phương nên ngay từ đầu năm 2023, huyện đề ra nhiều giải pháp để khắc phục các tồn tại, vướng mắc. Huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động người dân trong vùng DA thực hiện tốt chính sách, pháp luật; công khai DA kịp thời, đúng quy định, bảo đảm khách quan, công bằng, trung thực để người dân hợp tác. Huyện tập trung giải quyết ngay các trường hợp khiếu nại của người dân liên quan đến việc thu hồi đất; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, MTTQ, đoàn thể trong thực hiện công tác bồi thường, GPMB, TĐC.
Huyện thực hiện tốt việc vận động hộ dân lập đầy đủ các thủ tục, giấy tờ pháp lý kèm theo, kịp thời điều chỉnh các sai sót để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ; nghiên cứu đề xuất thêm chính sách hỗ trợ khác để bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất;... Huyện cũng kiến nghị cấp trên cần điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi một số quy định về công tác bồi thường, GPMB, TĐC cho phù hợp với thực tế: Chính sách bố trí nền, đơn giá bồi thường, quy định trường hợp đất vắng chủ, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm,... góp phần hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm DA đúng tiến độ.
“Đặc biệt, trong năm 2023, huyện tập trung GPMB tại các DA trọng điểm của huyện (DA Đường tỉnh 823D, Đường tỉnh 822B,...) và các DA ngoài ngân sách kéo dài nhiều năm. Đối với các DA ngoài ngân sách, huyện tập trung phối hợp các ngành chuyên môn rà soát. Đối với các DA chậm triển khai và không triển khai, UBND huyện có văn bản kiến nghị thu hồi (đặc biệt là các DA đã phê duyệt phương án bồi thường nhưng chủ đầu tư không chuyển kinh phí bồi thường để chi trả cho người dân). Đối với các DA mới tiếp nhận đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ bồi thường thu hồi đất, các ngành chuyên môn của huyện hỗ trợ chủ DA hoàn thành các thủ tục để GPMB. Những người dân không chấp hành chủ trương kiểm đếm, thu hồi đất, huyện chỉ đạo các phòng, ban phối hợp các địa phương, đơn vị bồi thường tập trung vận động, giải thích và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người có đất bị thu hồi,...” - ông Trương Minh Hoàng nhấn mạnh./.
Châu Sơn