“Cần làm rõ vấn đề có hay không doanh nghiệp gian lận thương mại trong nhập khẩu đùi gà từ Mỹ” là nội dung được đề cập tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực diễn ra ngày 5/8 tại Hà Nội.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về việc có hay không tình trạng bán phá giá đối với sản phẩm đùi gà Mỹ nhập khẩu về thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: không loại trừ khả năng doanh nghiệp nhập khẩu gian lận thương mại. Từ đầu năm đến nay có hơn 66.000 tấn thịt gà Mỹ được nhập về Việt Nam, chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó thịt đùi gà chiếm khoảng 2/3.
Toàn cảnh cuộc họp báo. (Ảnh: Minh Long)
Tại thị trường Mỹ, giá thịt gà đùi đang được bán từ 3 đến 3,5 đô la/kg. Ở Mỹ và các nước Châu Âu, ức gà là sản phẩm chính nên có giá bán rất cao, còn thịt đùi, chân và các phần khác chỉ là nhóm sản phẩm phụ nên giá bán rẻ. Tại Việt Nam, đùi gà là sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích nên có giá trị cao nhất nhưng khi nhập về từ Mỹ cộng thêm nhiều chi phí khác mà giá bán 20 nghìn đồng/kg là tương đối bất ngờ.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết: “Phải xem xét xem có tình trạng gian lận thương mại hay không vì ở nước ngoài, và ở Mỹ khi những sản phẩm gần hết hạn thì giá rất rẻ. Chúng ta phải kiểm tra sản phẩm đùi gà nhập khẩu về Việt Nam có đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và đủ điều kiện hay không, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh rõ việc này. Nếu sản phẩm “cận đát” mà đưa về Việt Nam sau đó doanh nghiệp thay đổi nhãn mác để bán ra thị trường là gian lận thương mại, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và sản xuất chăn nuôi trong nước.”
Cũng tại buổi họp báo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chính như: cà phê, cao su, gạo và thủy sản giảm cả về sản lượng và giá trị. Tình hình hạn hán ở miền Trung, mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, sản lượng tôm suy giảm do xâm nhập mặn và diễn biến thời tiết với nhiệt độ cao vào các tháng 3,4,5. Ngoài ra, xuất khẩu tôm khó khăn vì sức mua thị trường yếu, chênh lệch về tỷ giá nên bất lợi cho xuất khẩu… Từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản sẽ tập trung thúc đẩy sản xuất tăng sản lượng tôm sú, phát triển tôm sú nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết: “Tôm sú khi sản xuất theo mô hình quảng canh và quảng canh cải tiến sẽ có giá thành sản xuất thấp, khả năng cạnh tranh cao hơn, bên cạnh đó làm theo mô hình này ít rủi ro dịch bệnh. Đặc biệt, mặt hàng tôm sú có sự cạnh tranh về phân khúc thị trường thấp hơn tôm thẻ chân trắng vì số nước đang sản xuất tôm sú không còn nhiều. Chính vì vậy chủ trương của Bộ trong những tháng cuối năm là tập trung vào đối tượng nuôi này để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản”.
Trong tháng 8 và những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực có thị trường.
Theo đó, hướng dẫn các địa phương mở rộng sản xuất lúa Thu Đông, lưu ý các địa phương về việc mưa lớn có thể gây ra tình trạng lũ lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường kiểm tra, theo dõi dịch bệnh chủ động cảnh báo cho các địa phương các loại dịch hại cây trồng. Về chăn nuôi tăng cường quản lý chất lượng con giống, phòng chống dịch bệnh, phát triển các đối tượng nuôi gia súc, gia cầm./.
Minh Long/VOV - Trung tâm Tin