Tiếng Việt | English

20/07/2017 - 10:52

Dũng cảm, gương mẫu trong thời chiến, cả thời bình

Không chỉ vẹn tròn việc xã hội, Cựu chiến binh Mai Văn Liêm còn là người cha, người ông gương mẫu trong việc nuôi dạy con, cháu chăm ngoan, thành đạt. Ngoại trừ cô gái út đang học phổ thông, 3 người con lớn đều là đảng viên.

Không chỉ vẹn tròn việc xã hội, ông còn là người cha, người ông gương mẫu trong việc khi nuôi dạy con, cháu chăm ngoan

Cựu chiến binh Mai Văn Liêm, sinh năm 1952, ngụ ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bà nội là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Nâu, cha ông từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mẹ ông cũng có công nuôi giấu cách mạng,...

Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, năm 1969, chỉ mới 17 tuổi, ông Liêm thoát ly, làm giao liên và trinh sát của Huyện đội Bến Thủ, chẳng may bị địch bắt trong một lần đi công tác. Trải qua nhiều nơi giam giữ, từ Nhà tù Chí Hòa (Sài Gòn) cho đến Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiều lần bị tra tấn, đánh đập dã man nhưng ông vẫn kiên quyết không khai báo, giữ bí mật cho tổ chức.

Có một kỷ niệm mà đến giờ, ông còn nhớ mãi là lần vượt ngục vào đêm Giáng sinh năm 1973 từ Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Sau khi thoát khỏi nơi giam giữ, vì địa hình đồi núi hiểm trở, không thông thạo đường đi, cuối cùng, ông bị bắt lại. Ông bị nhốt ở xà lim và bị tra tấn. Lần ấy, ông suýt mất mạng vì bị một tên lính gác đập chậu kiểng lên đầu. Đến giờ, vết hằn vẫn còn trên trán. Dù những trận đòn roi ngày đó đôi lúc ám ảnh nhưng ông chưa bao giờ hối tiếc và luôn tự hào vì mình bước theo con đường mà cha ông đã chọn - con đường cách mạng, giải phóng dân tộc, mang lại hòa bình, độc lập cho quê hương.

Sau khi đất nước được giải phóng, ông tích cực góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Từ năm 1981, ông là Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa cho đến năm 2000. Ông là một trong những người góp phần đưa xã Tân Thành vượt qua những khó khăn ban đầu, từ vùng trắng, chưa có kênh, mương nội đồng, chỉ có thể trồng tràm, mì, thơm với hiệu quả thấp cho đến khi xã được đầu tư đê bao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Với sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự đồng lòng của nhân dân mà Tân Thành “thay da, đổi thịt” từng ngày.

Sau khi nghỉ hưu, ông được tín nhiệm giữ nhiệm vụ Bí thư Chi bộ ấp 3. Không chỉ vẹn tròn việc xã hội, ông còn là người cha, người ông gương mẫu trong việc nuôi dạy con, cháu chăm ngoan, thành đạt. Ngoại trừ cô gái út đang học phổ thông, 3 người con lớn đều là đảng viên. Ông Liêm chia sẻ: “Tôi thường kể cho các con nghe về truyền thống của gia đình, về sự mất mát, hy sinh của những người đi trước để mang lại hòa bình, no ấm cho ngày nay. Vì thế, ngay từ nhỏ, các con luôn phấn đấu học tập, nỗ lực để nối tiếp thế hệ đi trước, góp sức xây dựng quê hương”. Ông nhiều lần nhận được bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, huyện vì những phấn đấu trong suốt cuộc đời mình vì lợi ích chung của quê hương, đất nước./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết