Trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các doanh nghiệp (DN) rất cần người lao động (NLĐ) có tay nghề để làm ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Để NLĐ gắn bó lâu dài với DN, cần có tiếng nói chung giữa DN và NLĐ. Tổ chức Công đoàn (TCCĐ) hoạt động đúng chức năng sẽ là cầu nối giữa DN và NLĐ.
Trước tiên, TCCĐ thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của DN đối với NLĐ qua việc thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của DN và NLĐ. Ngoài ra, TCCĐ còn phát huy vai trò của mình phối hợp lãnh đạo DN tham gia góp ý về quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, xây dựng mối quan hệ LĐ hài hòa, ổn định vì sự phát triển của DN và đời sống của NLĐ.
Thời gian qua, tình trạng lãn công, đình công vẫn xảy ra, thế nhưng, rất nhiều TCCĐ chưa thể hiện vai trò cầu nối giữa DN và NLĐ. Với những DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội đối với NLĐ như trả lương tương xứng công sức, kết quả lao động, thực hiện đầy đủ chế độ LĐ: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,... tạo được môi trường làm việc thân thiện, an toàn sẽ có khả năng thu hút và giữ được nhiều LĐ có tay nghề cao, gắn bó với DN, vì vậy, sẽ không có tình trạng lãn công, đình công xảy ra.
Nói là vậy, nhưng trên thực tế, rất nhiều DN có TCCĐ và mặc dù TCCĐ đại diện cho NLĐ ký kết thỏa ước LĐ tập thể với người sử dụng LĐ song ở nhiều DN, vai trò của TCCĐ chỉ là hình thức. Cán bộ TCCĐ là NLĐ được chủ DN trả lương nên DN chưa tạo điều kiện cho TCCĐ hoạt động theo đúng chức năng; vì thế, hành vi vi phạm pháp luật của DN vẫn thường xảy ra, chủ yếu là vi phạm về hợp đồng LĐ, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, định mức LĐ, bảo hiểm,...
Chính vì thế, NLĐ tự tập hợp tìm cách đối phó bằng các cuộc tranh chấp LĐ tập thể. Mặc dù không ít NLĐ khẳng định, bản thân họ không muốn tham gia tranh chấp LĐ, nhưng trước thực tế, mức lương không đủ sống nên trước sau gì cũng phải nghỉ việc để tìm việc mới, với mức lương cao hơn. Vì vậy, họ lựa chọn phương án nếu tham gia tranh chấp LĐ mà có được thêm quyền lợi thì họ tiếp tục công việc. Ngược lại, nếu thất bại sẽ chấp nhận tìm việc làm mới.
Đối với những sự việc như vậy, nếu TCCĐ thể hiện rõ vai trò, tổ chức gặp gỡ với chủ DN nhằm đưa ra hướng giải quyết đáp ứng quyền lợi của cả hai bên thì sẽ có nhiều vụ tranh chấp LĐ được giải quyết ổn thỏa, giảm thiểu thiệt hại. Do đó, TCCĐ hoạt động hiệu quả có vai trò rất lớn trong sự phát triển của DN./.
Nguyên Thông