Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với mùa khô năm 2020-2021, trong thời gian kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm 2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông. Từ đó, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra độ mặn trên các tuyến sông để kịp thời thông báo đến người dân
Riêng tại Long An, ngành chức năng tỉnh dự báo có gần 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đối diện với nguy cơ bị ảnh hưởng hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn tại các huyện: Thủ Thừa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Châu Thành, Tân Trụ và TP.Tân An. Trong đó, có hơn 10.030ha lúa Đông Xuân 2023-2024; 20ha rau màu; 800ha chanh; gần 7.000ha thanh long và hơn 1.820ha cây trồng khác.
Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Long An, do ảnh hưởng kỳ triều cường cuối tháng Chạp nên độ mặn trên các tuyến sông: Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra tiếp tục tăng từ 0,4-2,3g/l so với thông báo chất lượng nước ngày 25/01/2024 và hiện dao động ở mức từ 0,6-13,9g/l.
Cụ thể, trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 1,0g/l vượt qua cầu Bến Lức, huyện Bến Lức (2,3g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 58km. Độ mặn 4,0g/l vượt qua cống Đôi Ma, huyện Cần Đước (4,2g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 47km.
Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1,0g/l gần đến cống Tầm Vu, huyện Châu Thành (0,8g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 56km. Độ mặn 4,0g/l gần đến cống Sông Cui, huyện Châu Thành (3,3g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 42km.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đề nghị các địa phương nằm trong diện nguy cơ bị hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn phải chuẩn bị tốt kế hoạch phòng, chống và có biện pháp khắc phục nhằm hạn chế thiệt hại; đồng thời, chủ động sửa chữa, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trong những tháng ảnh hưởng hạn, xâm nhậm mặn trên địa bàn tỉnh./.
Minh Tuệ