Tiếng Việt | English

24/01/2024 - 18:03

Khoảng 19.662ha cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn  

UBND tỉnh Long An vừa ban hành Kế hoạch Phòng ngừa, ứng phó hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 do tác động của hiện tượng El Nino nhằm bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Kông về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu thế giảm dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10-15%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều với xu thế xuống dần. Trong các tháng mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL khả năng đến sớm hơn, cao hơn so với TBNN.

Về tình hình xâm nhập mặn trên hệ thống sông Vàm Cỏ mùa khô năm 2023-2024, Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Long An dự báo, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thấp hơn TBNN. Mực nước đầu nguồn sông Long An chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và ở mức xấp xỉ TBNN, xâm nhập mặn vùng cửa sông tỉnh Long An ở mức cao hơn TBNN.

Cụ thể, trong các tháng mùa khô, độ mặn tại trạm Cầu Nổi trên sông Vàm Cỏ (huyện Cần Đước) dao động từ 14-19 gram/lít (g/l); tại trạm Bến Lức trên sông Vàm Cỏ Đông (huyện Bến Lức) dao động từ 2-9 g/l; tại trạm Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây (TP.Tân An) dao động từ 1-8 g/l; tại trạm Tuyên Nhơn trên sông Vàm Cỏ Tây (huyện Thạnh Hóa) dao động từ 0,1-0,7 g/l; tại trạm Xuân Khánh trên sông Vàm Cỏ Đông (huyện Đức Hòa) dao động từ 0,1-2,5 g/l.

Thông tin từ ngành Nông nghiệp tỉnh, qua rà soát, đánh giá của các huyện Thủ Thừa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Châu Thành, Tân Trụ và TP.Tân An, có khoảng 19.662ha diện tích cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh có liên quan, UBND cấp huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố cần quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai và xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương, hiệu quả); trong đó, lấy phòng ngừa là chính, nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho nhân dân trong các tháng mùa khô năm 2023-2024, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ra.

Bên cạnh đó, các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, trên cơ sở lịch sử xâm nhập mặn tại địa phương cần tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và khoanh vùng lên bản đồ các khu vực có nguy cơ bị thiếu nước, xâm nhập mặn trong tháng 01/2024 làm cơ sở cho việc triển khai các biện pháp cấp bách.

Ngoài ra, tập trung xác định các công trình trọng điểm, xung yếu ưu tiên cần thực hiện khẩn trương đầu tư để ngăn mặn, trữ ngọt; các công trình cấp bách cần nạo vét để sớm đầu tư bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất; các công trình cấp nước sinh hoạt để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết