Tiếng Việt | English

27/03/2022 - 19:58

Gần 80.000 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2022 được tổ chức tại 36 cụm thi và 80 địa điểm thi trải rộng khắp 17 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam trở vào.


Các thí sinh trước khi vào phòng thi tại điểm thi Trường Đại học Quang Trung, Bình Định. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 27/3, gần 80.000 thí sinh tại 17 địa phương đã bước vào kỳ thi đánh giá năng lực, đợt 1 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2022 được tổ chức tại 36 cụm thi và 80 địa điểm thi trải rộng khắp 17 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam trở vào, bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.

Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1 đông nhất từ trước đến nay, gần 85.000 em. Số thí sinh dự thi thực tế là 79.389 em, đạt 96,4% tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 42.000 thí sinh tham dự kỳ thi, tại 32 địa điểm thi.

Mỗi thí sinh dự thi sẽ làm một bài thi đánh gia năng lực, gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm làm trong vòng 150 phút.

Cấu trúc đề thi sẽ bao gồm 3 phần: 20 câu hỏi tiếng Việt, 20 câu hỏi tiếng Anh, 30 câu hỏi Toán học-tư duy logic-phân tích số liệu, 50 câu hỏi giải quyết vấn đề.

Thí sinh chỉ được ra về khi đã hết thời gian làm bài, và không được mang đề thi, giấy nháp ra khỏi khu vực thi.

Tại  Cụm thi 25 (Trường Đại học Quang Trung, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), em Trần Đỗ Hoàng Linh (học sinh lớp 12, Trường Quốc học Quy Nhơn) cho biết: “Theo em đề thi năm nay khá đa dạng, đặc biệt một số câu tự nhiên như môn Hóa độ khó cao. Về Sử, Địa thì nghiêng về lý thuyết khá nhiều nên học sinh phải đọc và ghi nhớ thật chính xác.”

Thí sinh Võ Yến Linh (học sinh lớp 12, Trường Trung học Phổ thông Hoài Ân, huyện Hoài Ân, Bình Định) thì cho rằng đề thi năm nay tương đối khó: “Với em các môn tự nhiên như Sinh và Hóa là khó nhất, em chưa đủ thời gian để hoàn thiện trọn vẹn bài thi.”

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kỳ thi được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức an toàn và hiệu quả với các biện pháp, phương án phòng chống dịch COVID-19 tối ưu nhất. 

Do đợt 1 có số lượng thí sinh và điểm thi nhiều nên Đại học Quốc gia Thành phố đã phải huy động đến 6.000 cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi này.

“Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho thí sinh và nhân sự làm công tác tổ chức kỳ thi. Trong năm nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến dành tối thiểu 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng hình thức thi đánh giá năng lực. Đặc biệt, kết quả kỳ thi này được hơn 80 trường Đại học, Cao đẳng ngoài Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng để tuyển sinh. Đây là tín hiệu khẳng định chất lượng của kỳ thi qua từng năm tổ chức,” ông Chính nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Chính cũng lưu ý, điểm đổi mới của kỳ thi năm nay là cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên, từ cao xuống thấp.

Sau khi kết quả thi đợt 1 được công bố (dự kiến ngày 5/4, tức khoảng 1 tuần sau khi thi), thí sinh có thể đăng ký bổ sung và sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng xét tuyển.

“Đối với các thí sinh đã đăng ký nhưng không thể dự thi do bị ảnh hưởng của dịch COVID, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ để các em được tham gia thi đánh giá năng lực đợt 2 mà không phải đóng lệ phí dự thi,” ông Chính nói thêm.

Ở đợt 2, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở cổng đăng ký dự thi và xét tuyển từ ngày 6/4-5/4 và dự kiến tổ chức vào ngày 22/5, tức trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông tại 4 tỉnh/thành phố là Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh và An Giang.

Kết quả của đợt 2 sẽ được công bố vào ngày 29/5. Đối với các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực được dự kiến công bố trước ngày 5/6.

Cùng 2 đợt thi đánh giá năng lực là 2 đợt đăng ký xét tuyển khác nhau. Các thí sinh có thể dự thi cả hai 2 đợt, kết quả của đợt thi nào cao hơn sẽ được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng để xét tuyển.

Kỳ thi đánh giá năng lực là bài kiểm tra tập trung đánh giá năng lực cơ bản của thí sinh chuẩn bị bước vào đại học, thông qua bài thi tổ hợp gồm 120 câu hỏi với thời gian làm bài là 150 phút.

Kỳ thi được tổ chức với mục tiêu đánh giá năng lực học đại học của thí sinh, đa dạng hóa hình thức tuyển sinh.

Hiện nay, đã có 84 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào năm 2022. Trong đó có 57 đơn vị đăng ký xét tuyển chung. Riêng các đơn vị của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có lượng chỉ tiêu xét tuyển lớn, từ 30-70% chỉ tiêu./.

Hồng Giang (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết