Tiếng Việt | English

28/05/2019 - 17:00

Gấp rút xây dựng kịch bản ứng phó khi dịch tả heo châu Phi xảy ra

Đến nay, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện tại 2.904 xã của 42 tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 6 tỉnh, thành phố xuất hiện DTHCP với hơn 2.000 con heo bị tiêu hủy.

Theo nhận định của chuyên gia, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có đặc thù là vùng sông nước, hệ thống sông ngòi chằng chịt, vì vậy, nguy cơ lây lan DTHCP rất cao. Sau khi tỉnh Hậu Giang xuất hiện ổ dịch, chỉ hơn 1 tuần sau đó, 6 tỉnh, thành phố: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ bị lây lan DTHCP. Các địa phương còn lại trong vùng đang khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Tỉnh Long An tập trung tiêu độc, khử trùng để chống dịch

Tỉnh Long An tập trung tiêu độc, khử trùng để chống dịch

Long An hiện có nguy cơ xảy ra dịch rất cao vì là tỉnh cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình trên, tỉnh đã lập chốt kiểm dịch trên các tuyến giao thông quan trọng, tiêu độc, khử trùng và ngăn chặn việc vận chuyển heo nhiễm bệnh vào địa bàn tỉnh, đồng thời, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Phan Ngọc Châu nhận định: “Các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kênh, rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen, rất khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan dịch rất cao. Nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô và số lượng heo lớn”.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết: “Cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc, quyết tâm ngăn chặn DTHCP xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Khi có tình huống, phải kịp thời phát hiện, khoanh vùng, làm đúng quy trình dập dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Hiện tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gấp rút xây dựng kịch bản, phương án chống dịch khi dịch bệnh xảy ra”.

Vừa qua, trong cuộc họp nóng về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống DTHCP với các tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Tất cả tỉnh, thành phía Nam đã có dịch hay chưa có dịch đều phải theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương cho từng giai đoạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Người đứng đầu các địa phương phải trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống, xử lý dịch bệnh ở địa phương mình,... Đề nghị các địa phương, cơ quan chuyên môn tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch; có các biện pháp và đưa ra các kịch bản phòng, chống dịch từ tỉnh đến xã để chủ động ứng phó. Trong đó, nhấn mạnh đến giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, tăng cường tiêu độc, khử trùng thường xuyên và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, các hộ chăn nuôi hiểu rõ để phòng ngừa”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích