Tiếng Việt | English

22/05/2019 - 09:46

Tập trung quyết liệt chống dịch tả heo châu Phi

Dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng. Nếu không có các biện pháp phòng, chống quyết liệt và hiệu quả thì nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh, tác hại sẽ rất lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần chỉ đạo tại cuộc họp

Nâng cao ý thức trách nhiệm

“Để ngăn chặn DTHCP, cần thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp heo mắc bệnh, cần nghiên cứu các kinh nghiệm dập ổ dịch, không để lây lan và giảm thiệt hại trong chăn nuôi, đồng thời tuyên truyền, vận động người chăn nuôi không giấu dịch, không mua bán và vận chuyển heo bệnh chết, không giết mổ và tiêu thụ thịt heo bệnh chết, không vứt heo chết ra môi trường. Những trường hợp cố ý vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Cán bộ lơ là nhiệm vụ ngăn ngừa DTHCP cũng phải xử lý nghiêm. Phải ý thức việc khống chế DTHCP không là nhiệm vụ của riêng ngành, địa phương nào” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An - Đinh Thị Phương Khanh nhấn mạnh.

Thời gian qua, ngành chức năng, chính quyền và người chăn nuôi các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa DTHCP. Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) chia sẻ: “Tôi chủ động phòng ngừa dịch bệnh bằng cách tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh, sát trùng chuồng trại theo hướng dẫn, tăng khẩu phần ăn có nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Trước khi vào trang trại, toàn bộ phương tiện và người đều được phun thuốc sát trùng”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung cho biết: “Toàn huyện có khoảng 27.000 con heo và 2 lò giết mổ lớn. Để chủ động ứng phó DTHCP, UBND huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan, yêu cầu bộ phận chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ: Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh; phát hiện sớm các trường hợp heo bệnh, chết bất thường, thường xuyên phun thuốc tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi; giám sát các chợ, điểm buôn bán các sản phẩm thịt heo; phối hợp kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc trên địa bàn; tăng cường thông tin, tuyên truyền kịp thời để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của DTHCP, các biện pháp xử lý và thời gian hỗ trợ của Nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan”.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, các ngành, địa phương trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức - Lê Văn Thuận thông tin: “Huyện thành lập 3 chốt kiểm dịch trên Quốc lộ 1 và Đường tỉnh 830C. Lực lượng công an và thú y túc trực 24/24 giờ, kiểm tra nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển heo qua địa bàn. Huyện cũng phân bổ thuốc thú y, vắc-xin dịch tả cho các xã, thị trấn. Các hoạt động giết mổ heo được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ”.

Huyện Cần Giuộc cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra hồ sơ, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, giấy kiểm dịch động vật, số lượng heo nhập vào các cơ sở giết mổ và hoạt động buôn bán thịt heo trên địa bàn. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cần Giuộc - Hùng Văn Tường cho biết: “Hơn 2 tháng nay, lượng heo qua địa bàn huyện khoảng 1.840 con. Công tác kiểm tra, kiểm soát tại các chốt, các lò giết mổ được bảo đảm. Bên cạnh đó, huyện khuyến cáo hộ chăn nuôi chủ động tiêu hủy tại chỗ nếu dịch bệnh xảy ra”.

Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Dương Minh Phí cho biết: “Trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh đã lập các chốt kiểm dịch động vật. Ngoài ra, công tác tiêm vắc-xin phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm cho đàn heo cũng được thực hiện”.

Xử lý đúng quy trình nếu xảy ra dịch

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Phan Ngọc Châu đề nghị: “Các địa phương cần xử lý theo đúng quy trình nếu heo bị chết hoặc có dấu hiệu mắc bệnh. Người chăn nuôi thông báo cho cán bộ thú y xã hoặc thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã để cán bộ thú ý huyện lấy mẫu xét nghiệm, làm căn cứ thống kê, tiêu hủy hỗ trợ sau này. Tùy quy mô, mức độ của ổ dịch mà có biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh, lập chốt phù hợp. Nếu xảy ra DTHCP thì việc tiêu hủy heo và sản phẩm của heo mắc là bắt buộc. Người chăn nuôi tuyệt đối không được vứt xác heo chết ra môi trường”. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, heo tiêu hủy phải được vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trước và sau khi vận chuyên đến địa điểm tiêu hủy; người tham gia tiêu hủy phải thực hiện vệ sinh, sát trùng để tránh làm lây lan mầm bệnh.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ Công an tỉnh, chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các phương tiện giao thông ra, vào tỉnh; kiểm soát chặt chẽ tình hình mua bán, giết mổ heo. Bà Đinh Thị Phương Khanh cho rằng: “Do tính chất nguy hiểm của DTHCP nên ngoài các biện pháp phòng dịch, huy động lực lượng thú y hỗ trợ người chăn nuôi phun thuốc tiêu độc, sát trùng chuồng trại, tiêm vắc-xin cho vật nuôi, ngành còn đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại và biện pháp phòng, chống dịch”.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, các ngành, địa phương trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi

“Từ nay đến khi Trung ương công bố hết DTHCP, Sở NN&PTNT, Công an tỉnh và các địa phương phối hợp tăng cường, duy trì lực lượng tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, giám sát chặt chẽ hoạt động vận chuyển động vật ra, vào địa bàn; tăng cường tuyên truyền người dân biết DTHCP không lây nhiễm, gây bệnh ở người và trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch bệnh, không nên quay lưng với thịt heo, gây thiệt hại cho người chăn nuôi” - bà Khanh cho biết thêm.

Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Chủ trương phòng, chống DTHCP cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Phòng là chính, cơ sở là chính, dân là chính, không đợi có dịch mới chống. Chính quyền địa phương vào cuộc chống dịch quyết liệt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, ngành nông nghiệp; thông tin về dịch bệnh phải thường xuyên được cập nhật. Nếu có dịch, cần ngăn chặn lây lan kịp thời theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; hỗ trợ người dân kịp thời, chặt chẽ, minh bạch; bảo đảm vệ sinh môi trường”./. 

Thời gian qua, tỉnh triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả heo châu Phi tình huống 1 (khi không có dịch xảy ra) với tổng kinh phí 359,5 triệu đồng; tổ chức thực hiện hiệu quả Tháng Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, cấp 42.450 chai thuốc sát trùng gốc Iodine 10% (loại 100ml = 1 chai); mua sắm 400 kit test nhanh dịch tả heo châu Phi. Ngoài ra, tỉnh còn bố trí vốn mua dự trữ 30 tấn vôi bột và 7 chiếc máy thông minh tự động bắt giết động vật (máy chích điện) nhằm phục vụ công tác chống dịch.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết