Toàn huyện có hơn 17.000 con heo, chủ yếu chăn nuôi nhỏ, lẻ và 4 cơ sở giết mổ với tổng quy mô 1.000 con/ngày đêm. Bên cạnh nguồn heo tại địa phương thì các cơ sở giết mổ còn nhập heo từ các tỉnh khác vào giết mổ, vì vậy nguy cơ lây nhiễm DTHCP trên địa bàn huyện rất cao. Với mục tiêu không để lây lan dịch bệnh từ các vùng đã xuất hiện ổ dịch sang địa bàn huyện, UBND huyện tăng cường chỉ đạo, chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh từ ban đầu. Theo đó, huyện thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tình hình dịch bệnh, các dấu hiệu nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống qua chương trình phát thanh huyện, xã. Song song đó, huyện cấp phát hơn 2.700 tờ bướm và tổ chức 6 đợt tập huấn về giải pháp phòng, chống dịch bệnh với 180 lượt người dự. Người chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ động phòng, chống dịch bệnh bằng những biện pháp thiết thực.
Người dân tăng cường vệ sinh chuồng trại để chủ động phòng, chống dịch bệnh
Trang trại nuôi heo của ông Trương Văn Tài (xã Hiệp Hòa) có hơn 200 con. Ông Tài cho biết: “Tôi chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học như rải vôi, phun thuốc khử trùng, hạn chế người ra, vào trang trại,... phối hợp các phòng, ban chuyên môn của huyện trong việc phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là DTHCP hiện nay. Do DTHCP đang diễn biến phức tạp nên giá heo hơi bị giảm, gia đình khá lo lắng. Tôi mong ngành chức năng sớm có những giải pháp hữu hiệu để người chăn nuôi an tâm hơn”.
Còn bà Võ Thị Công, ngụ xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, chia sẻ: “Trước tình hình DTHCP diễn biến phức tạp, tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêu độc, khử trùng; theo dõi, cập nhật thông tin tình hình, diễn biến dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống; tiến hành tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để phòng ngừa dịch bệnh xảy ra trên đàn heo của gia đình”.
Mặt khác, huyện tiếp nhận nguồn thuốc tiêu độc, khử trùng từ tỉnh cung cấp và cấp phát 490 lít cho các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tiêu độc, khử trùng các cơ sở giết mổ, chăn nuôi trên địa bàn các xã, thị trấn. Huyện thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh; 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên tuyến Đường tỉnh 823, 824; đội xử lý nhanh để ứng phó tình hình dịch bệnh. Đến nay, có 1.154 lượt xe vận chuyển heo qua chốt kiểm dịch động vật trên địa bàn huyện với số lượng hơn 100.000 con. Trong đó, số xe vận chuyển heo về các cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện chiếm gần 40%, còn lại về các huyện khác trong tỉnh và các tỉnh miền Tây. Nguồn gốc heo từ tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước chiếm trên 89%, còn lại từ các nơi khác.
Các ngành chức năng huyện cũng thường xuyên kiểm tra các cơ sở giết mổ lớn, các trang trại chăn nuôi,... Đối với UBND các xã, thị trấn đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp tương đương. Huyện phân công, giao trách nhiệm cán bộ thú y trực tiếp phối hợp các trưởng ấp, khu phố theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tình hình dịch bệnh có thể xảy ra ở các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn; nghiêm cấm việc điều trị bệnh nghi DTHCP.
Xịt thuốc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật tại chốt kiểm dịch trên Đường tỉnh 823 (huyện Đức Hòa)
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Minh Trung thông tin: Huyện chủ động đề ra các giải pháp phòng, chống DTHCP. Các giải pháp này nhanh chóng triển khai và thực hiện nghiêm trên địa bàn. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi, duy trì thực hiện thường xuyên kiểm dịch vận chuyển gia súc ở các chốt kiểm dịch; kiểm tra các cơ sở giết mổ tập trung, nhỏ, lẻ, các cơ sở buôn bán sản phẩm thịt heo trên các tuyến đường, các chợ nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, ngành chức năng huyện phối hợp chính quyền địa phương vận động người chăn nuôi tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch từ việc vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng, tiêm các loại vắc-xin theo kế hoạch. Khi có gia súc nghi bị bệnh phải báo ngay UBND xã, thị trấn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để có biện pháp xử lý kịp thời, góp phần hạn chế thiệt hại trên đàn gia súc.
Hy vọng, với việc triển khai đồng bộ và nâng cao các biện pháp phòng dịch cùng sự vào cuộc tích cực của người chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nói chung và DTHCP nói riêng trên địa bàn huyện sẽ đạt hiệu quả thiết thực./.
Lực Nguyễn