Tại Diễn đàn Cơ sở khoa học của việc tính giá điện do Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức, các chuyên gia và các nhà khoa học có chung nhận định: Giá bán điện hợp lý sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vi mô, an sinh xã hội. Xây dựng giá bán điện hợp lý phải dựa trên cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn và cần những giải pháp thực hiện hiệu quả.
Giá điện mang nặng cơ chế hành chính
Đánh giá về cơ sở khoa học của việc tính giá điện, PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, giá điện đã được điều chỉnh tăng liên tục qua các năm gần đây (từ năm 2009 đến nay tăng 8 lần). Sau mỗi lần điều chỉnh, giá điện chỉ có tăng, chưa hề giảm.
Bên cạnh đó, giá bán điện ban hành qua các kỳ điều chỉnh chưa thuyết phục, mang nặng cơ chế hành chính, thiếu cơ sở khoa học, chưa công khai minh bạch về giá thành, nên chưa được sự đồng thuận của khách hàng sử dụng điện. Trong khi đó, giá bán điện phải được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối và lợi nhuận hợp lý. Đồng thời, giá điện phải được sự đồng thuận cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực cũng như khách hàng sử dụng điện.
Ngành điện đang hướng đến việc xem xét, cân nhắc thay đổi giá bán điện cho các hộ có mức sử dụng dưới 100 kWh/tháng. (Ảnh: ERAV)
PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ khẳng định, quan trọng nhất vẫn là giá bán lẻ bình quân và biểu giá bán lẻ cho các khách hàng trực tiếp dùng điện. Việc điều chỉnh giá bán điện phải được thực hiện công khai, minh bạch phù hợp với quy định của pháp luật về giá.
“Người tiêu dùng không đòi hỏi giá thấp mà cần một sự minh bạch rõ ràng của ngành điện. Bộ Công Thương với vai trò chủ trì, nên lập Hội đồng thẩm định giá điện có các nhà quản lý, nhà khoa học làm tư vấn thẩm định cho Chính phủ mỗi lần điều chỉnh giá điện”, PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ chỉ rõ.
Cho rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn là tổ chức duy nhất, độc quyền kinh doanh điện trong toàn quốc và điều hành giao dịch thị trường phát điện cạnh tranh, PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ nhận xét: Lộ trình để tiến tới thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo đã được EVN triển khai hơn nửa chặng đường, nhưng kết quả còn rất khiêm tốn, nếu không có những giải pháp đột phá thực hiện thị trường điện cạnh tranh, áp lực tăng giá điện vẫn đè nặng lên các doanh nghiệp và người dân.
Nghiên cứu quy trình tác nghiệp xác định giá điện hiện áp dụng cho hệ thống điện Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Hanh, chuyên gia độc lập đánh giá: Có hai nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp tới giá điện cần minh bạch và kiểm soát.
Một là, phương thức điều độ tối ưu huy động công suất các nhà máy điện, sao cho có thể đạt được các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt nhất. Hai là, hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đại diện cho trình độ quản lý vận hành và bảo dưỡng thiết bị của các đơn vị sản xuất điện.
“Để bảo đảm tính minh bạch, có thể kiểm soát được việc hoạch định các loại giá điện nói chung, giá bán điện bình quân nói riêng, nếu không minh bạch và công khai thông tin về hai nhân tố trên, sẽ khó phán xét đúng việc định giá điện dựa trên những đánh giá về trình độ quản lý ngành. Đặc biệt, khi hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật nêu trên sẽ nói lên một cách cụ thể trình độ quản lý kỹ thuật của các đơn vị sản xuất điện, trong đó có cả các cơ quan quản lý điều độ vận hành, cấp phát nhiên liệu và thẩm định các chỉ tiêu”, TS. Nguyễn Văn Hanh giải thích.
Người tiêu dùng rối trong “ma trận”
Nhìn nhận về cách tính giá điện thời gian qua, GS. Nguyễn Quang Thái, Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn cho biết, giá điện vẫn là do cơ quan quản lý định ra, tuy có tham vấn nhà sản xuất, nhưng không phải do bên bán điện định ra. Vai trò của người sử dụng điện gần như không có, giá bao nhiêu là trả bấy nhiêu, ngay hợp đồng cũng là mẫu mua - bán định sẵn.
“Cách tính giá điện nhiều bậc thang với nhiều số lẻ đang gây phức tạp và khó hiểu. Theo thang bậc hiện hành, giữa các bậc có sự “nhẩy cò” rất nhanh, nhất là ở mức 300-400 kWh, khiến tỷ lệ người dùng điện ở mức này tuy không nhiều nhưng lại “kêu to” làm ảnh hưởng lớn đến xã hội. Thêm vào đó, bước nhảy trong các bậc thang giá điện cũng rất “phi tuyến”, khó giải thích vì sao tăng giảm như vậy?”, TS. Nguyễn Văn Hanh đánh giá.
Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Văn Hanh, người dân khó kiểm tra ,kiểm soát quá trình ghi số và tính giá điện: Khi sử dụng giá lũy tiến nhưng ngày tính tiền điện không đều với ngày ghi số điện - điều này gây ra nghi ngờ để tính sang thang biểu giá điện cao hơn, gây bất lợi cho người sử dụng. “Người tiêu dùng điện ít có điều kiện kiểm tra, lại càng không thạo cách tính lũy tiến nên cuối cùng giá điện bao nhiều chỉ biết như thông báo, khó tự kiểm tra để điều chỉnh hành vi”, TS. Nguyễn Văn Hanh cho hay.
Do đó, TS. Nguyễn Văn Hanh đề xuất: Giá điện cần thiết phải được xác định lại với sự tham gia của người dân, chuyên gia, nhà sản xuất và cơ quan quản lý. Giá điện cần có một số nguyên tắc, trong đó lấy giá thấp đồng hạng cho dưới 100 kWh/tháng, người nghèo sẽ được hỗ trợ trực tiếp (không qua EVN). Các đơn giá còn lại không có số lẻ để người dân tự kiểm chứng được. Để thực hiện khoa học hơn, nên tính giá điện lũy tiến, nhưng ít bậc thang và các nấc thang cũng nên mượt mà hơn. Riêng phần tiền chênh lệch trên 400KWh/tháng nên dành một phần cho các biện pháp tiết kiệm điện./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN