Tiếng Việt | English

28/06/2021 - 10:18

Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc

Mỗi gia đình một hoàn cảnh nhưng mẫu số chung của những mái ấm bình an là tình yêu và sự quan tâm giữa các thành viên trong nhà. Gia đình là tế bào của xã hội, vì vậy, gia đình có bình an, vui vẻ, hạnh phúc thì xã hội sẽ tốt đẹp.

“Cơm sôi bớt lửa”

Thấy con gái chuẩn bị vào cơ quan, ông Đặng Văn Hùng (ấp 4, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) nhắc con đeo khẩu trang và chú ý thực hiện “5K” khi làm việc. Tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp khiến ông Hùng không khỏi lo lắng cho con gái mình. Gia đình ông có 3 người con, tất cả đều được học hành đến nơi, đến chốn và có việc làm ổn định. Giờ đây, ông tập trung tham gia công tác xã hội tại địa phương, vợ ông - bà Trương Thanh Thủy thì chăm sóc gia đình.

Ông Hùng là phó trưởng ấp, công an viên của ấp nên những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ông ít khi có thời gian rảnh. Công tác tuyên truyền, kiểm tra, truy vết chiếm gần hết thời gian của ông. Tuy vậy, ông vẫn sắp xếp thời gian cùng bà chăm sóc gia đình.

Vườn cây kiểng trước sân do ông Đặng Văn Hùng, bà Trương Thanh Thủy cùng nhau chăm tưới

Văn hóa gia đình là môi trường văn hóa đầu tiên mà mỗi cá nhân, mỗi con người tiếp xúc. Khi con người được sinh ra, môi trường văn hóa gia đình đã bao quanh họ, dạy cho họ những bài học văn hóa đầu tiên và nhào nặn, hình thành trong họ những khuôn mẫu văn hóa mang đậm màu sắc gia đình”.

(PGS.TS Đặng Thị Hoa và TS Bùi Thị Hương Trầm (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) nêu trong bài viết “Một số cách tiếp cận nghiên cứu văn hóa gia đình và môi trường văn hóa gia đình”)

Sống với nhau mấy mươi năm, ông Hùng rất hiểu vợ. Biết bà nóng tính, ông luôn chủ động “bớt lửa” để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nói về chuyện này, ông Hùng cười: “Thường mọi người hay nghĩ đàn ông nóng tính nhưng ở nhà tôi, bà xã lại là người nóng tính. Tuy vậy, bà rất tôn trọng và hiểu ý tôi nên chúng tôi mới có thể gắn bó với nhau từng ấy năm”.

Bà Thủy kể, ông Hùng rất chăm lo cho gia đình, luôn đỡ đần bà trong công việc hàng ngày. Dù bận bịu với công việc xã hội nhưng ông vẫn dành thời gian “hoàn thành nhiệm vụ” ở nhà. Vườn cây kiểng trước sân, ông bà cùng nhau chăm tưới. Bữa cơm gia đình, ai có thời gian rảnh thì chuẩn bị rồi cùng nhau ăn cơm, trò chuyện.

Trước đây, ông Hùng là bếp trưởng một nhà hàng tại TP.Tân An, nhưng lúc ở nhà, ông thường chỉ là “bếp phó”. Với ông, bữa cơm vợ nấu lúc nào cũng ngon vì ấm áp tình cảm gia đình. Ông chia sẻ: “Khẩu vị mỗi người mỗi khác, nấu ăn cũng tùy vào tâm trạng. Nếu hôm nào tôi thích thức ăn đậm vị hơn thì tự làm thêm nước chấm, vậy là phù hợp với khẩu vị của mình mà bà xã cũng cảm thấy ngon miệng”. Ông cười, nhìn bà trìu mến.

Các con có gia đình, ông Hùng và bà Thủy có cháu nội, cháu ngoại. Khi cháu còn nhỏ, bà Thủy giúp con trông cháu. Khi cháu đến tuổi đi học, ông Hùng là người đưa, đón cháu. Thỉnh thoảng, ông nán lại trường hỏi thăm cô giáo về việc học của cháu. Lúc cháu nghỉ học ở nhà, ông bà thường động viên cháu chăm chỉ học hành, đừng sa vào những thú vui vô bổ. Đó là cách ông Hùng, bà Thủy thể hiện tình thương đối với cháu để các con an tâm làm việc và cháu chăm chỉ học hành!

“Con khỏe mạnh và hạnh phúc là được”

Nói về dự định của mình, em Nguyễn Minh Thư (ấp An Tập, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) vui vẻ: “Hết dịch Covid-19, em sẽ đi TP.HCM học nghề chăm sóc sắc đẹp. Em thích nghề này từ khi còn bé và cũng đã đăng ký ghi danh nhưng do dịch bệnh nên chưa đi học được”. Thư nói rằng, em sẽ cố gắng học nghề thật tốt để có thể vào làm tại các spa lớn ở TP.HCM. Được cha mẹ ủng hộ, động viên, Thư rất vui vẻ và tự tin với nghề đã chọn.

Hạnh phúc bình dị ở gia đình anh Nguyễn Văn Hải, chị Nguyễn Ngọc Vũ sẽ là hành trang để các con tự tin bước vào đời (Trong ảnh: Thời gian rảnh, cả nhà anh Hải ra chăm hàng kiểng trước sân)

Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 95% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con, cháu, tạo điều kiện cho con, cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần, không phân biệt con, cháu là trai hay gái; 96% hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông, bà, chăm sóc cha, mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ.

Tốt nghiệp THCS, Thư chọn đi làm và học nghề. Biết được ý định của con, anh Nguyễn Văn Hải - cha Thư, khuyên con hãy suy nghĩ kỹ, bởi đó là quyết định quan trọng của cả cuộc đời. Khi thấy con quyết tâm, anh Hải đồng ý với lựa chọn của con.

Anh Hải nói: “Khi biết con muốn đi học nghề, tôi có nói với con rằng nếu học cao hơn nữa sẽ có nhiều cơ hội hơn. Nhưng thấy con quyết tâm, thích nghề chăm sóc sắc đẹp nên tôi đồng ý. Tôi nghĩ nên cho con lựa chọn nghề nghiệp theo sở thích để sau này có được niềm vui trong công việc và cuộc sống”.

Anh Hải và chị Nguyễn Ngọc Vũ - vợ anh, có 2 con gái. Mặc dù có người khuyên anh chị nên sinh thêm để có con trai nhưng với anh chị, 2 con là đủ. Chị Ngọc Vũ nói: “Với chúng tôi, con trai hay con gái không quan trọng, quan trọng là các con khỏe mạnh và hạnh phúc là được rồi!”. Hai con đang ở độ tuổi ngấp nghé vào đời nên chị Ngọc Vũ rất quan tâm đến các con. Ngoài việc nhắc nhở các con yêu thương nhau, chị còn thường xuyên trò chuyện, tâm sự cùng con.

Chị Ngọc Vũ thường xuyên trò chuyện, tâm sự cùng con

Đã bên nhau từ những ngày tháng còn cơ hàn, trải qua không ít khó khăn, vất vả để gầy dựng cuộc sống nên anh Hải, chị Ngọc Vũ rất yêu thương và tôn trọng nhau. Thương vợ vất vả, tảo tần, hiếu thảo với cha mẹ hai bên, anh Hải cố gắng đỡ đần mọi việc lớn, nhỏ trong nhà. Thậm chí, anh còn nói không với rượu, bia để bảo vệ sức khỏe và vợ không buồn. Chính vì điều đó, gia đình anh Hải, chị Ngọc Vũ luôn đầy ắp tiếng cười. Mỗi tối, sau khi xong việc, cả nhà lại quây quần bên nhau, anh chị xem ti vi, hai con trò chuyện, cười đùa với nhau. Hạnh phúc bình dị ấy sẽ là hành trang để các con tự tin bước vào đời.

Chính những gia đình ấm êm, hạnh phúc sẽ là nền tảng giúp mỗi chúng ta mạnh mẽ bước qua thử thách và vững vàng hơn trong tương lai. Gia đình có bình an, xã hội mới hạnh phúc!

Chúng tôi cưới nhau được 50 năm, có 9 mặt con, giờ đứa nào cũng có gia đình riêng nên tôi với ông xã chăm sóc cho nhau. Bên nhau bao nhiêu năm tất nhiên phải có lúc giận hờn, nhưng tôi với ông xã giận một chút là hết. Người nào có lỗi thì chủ động xin lỗi, sửa sai. Nhờ vậy, gia đình mới ấm êm, bền chặt được. Ngày xưa, chúng tôi khó khăn lắm nhưng cố gắng lo cho con ăn học, vì có cái chữ thì mới có thể có cuộc sống tốt được. Giờ vợ chồng tôi rất an tâm về các con của mình. Đó là niềm vui, hạnh phúc của chúng tôi”.

Bà Đinh Thị Sáu, ngụ xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa

Nhà tôi đơn chiếc vì chồng mất sớm, con gái lớn có gia đình, chỉ còn tôi và con gái nhỏ. Ngày nào 2 mẹ con cũng đợi nhau cùng ăn bữa cơm chiều. Hôm nào đi làm về sớm, tôi sẽ chỉ con cách nấu ăn. Con gái cần biết nấu vài món đơn giản để sau này có đi học, đi làm xa tự biết cách chăm sóc mình. Con tôi có việc gì cũng kể với tôi, dù là chuyện vui hay buồn. Tôi cảm thấy như vậy đã là hạnh phúc”.

Chị Huỳnh Thị Thu Nga, ngụ xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích