Tiếng Việt | English

21/08/2018 - 05:17

Giấc mơ ô tô “Made in Vietnam” đang dần thành hiện thực?

Người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc sở hữu những chiếc xe “Made in Vietnam” với giá phù hợp thu nhập của mình.

Giá xe ô tô hiện nay vẫn còn ở mức cao là rào cản lớn cho ước mơ được sở hữu một chiếc ô tô “Made in Vietnam” của đại bộ phận người Việt Nam. Tuy nhiên, với những động thái của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt trong thời gian qua, giấc mơ ấy dường như đang dần trở thành hiện thực.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tại Việt Nam hiện có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ôtô; trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ôtô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô...

Ở một số chủng loại xe thương mại như xe tải đến 7 tấn, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt 55%; xe khách từ 24 chỗ ngồi trở lên, tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45 - 55%. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar và Trung Mỹ…

VinFast sẽ giới thiệu hai chiếc xe mẫu SUV và Sedan được thiết kế bởi Pininfarina tại triển lãm ô tô Paris (Paris Motor Show) vào tháng 10/2018

Còn theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách, Bộ Công Thương, năng lực sản xuất ô tô của Việt Nam liên tục tăng, bình quân đạt 14,65%/năm; sản xuất xe trong nước đáp ứng 70% nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, công việc chính của ngành công nghiệp ôtô hiện nay vẫn là nhập khẩu linh kiện, lắp ráp và phân phối trên thị trường nội địa. Dây chuyền sản xuất chủ yếu cho 3 công đoạn chính là hàn, tẩy rửa sơn, lắp ráp. Và trong toàn bộ linh kiện phụ tùng để sản xuất lắp ráp một chiếc ôtô, chỉ có một số ít phụ tùng đơn giản được sản xuất trong nước như ắc quy, kính, gương...

Số liệu thống kê cho thấy, xe tải nhẹ do công nghệ sản xuất đơn giản nên tỷ lệ nội địa hoá đã đạt từ 20-70%. Xe cá nhân đến 9 chỗ mục tiêu đến 2005 là 40% nhưng hiện chỉ đạt bình quân 7-10%, thậm chí sản phẩm nội địa chỉ săm, lốp, ghế ngồi...Trong khi đó, bình quân của ASEAn là 65-70%, với Malaysia là 80-95%, Thái Lan 80%, Indonesia 60%.

Bất cập nữa của ngành công nghiệp ôtô hiện nay là giá xe ôtô của Việt Nam cao gấp 1,2 - 1,8 lần giá xe của các nước trong khu vực và trên thế giới. Với những hạn chế này của ngành công nghiệp ô tô, nhiều ý kiến cho rằng, giấc mơ được sở hữu chiếc xe hơi giá rẻ, do doanh nghiệp Việt sản xuất vẫn còn rất xa vời…

Hiện thực hóa xe “Made in Vietnam”

Giới chuyên gia nhận định, sau hơn 20 năm hưởng ưu đãi của một ngành sản xuất mũi nhọn, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến nay vẫn chỉ là ngành công nghiệp lắp ráp. Mục tiêu có giá bán xe hợp lý, phù hợp với túi tiền người Việt Nam vẫn còn quá xa.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhà máy ô tô Vinsfat tại Hải Phòng của Toàn đoàn Vingroup đang mở ra những kỳ vọng mới cho người dân Việt Nam, rằng không lâu nữa, người tiêu dùng Việt sẽ có thể được sử dụng những chiếc xe do chính doanh nghiệp trong nước sản xuất, nói cách khác, đó là những chiếc ô tô “nội địa hóa” 100%.

Trong bản thông báo chính thức do Vinsfat gửi đến các trang tin tức ô tô, 2 mẫu ô tô mới nhất là Sedan và SUV sẽ được giới thiệu với công chúng thế giới tại triển lãm ô tô Paris 2018 vào tháng 10 tới đây.

Giới chuyên gia nhận định, với động thái này, Vinsfat chính là doanh nghiệp ô tô Việt Nam đầu tiên mang sản phẩm “Made in Vietnam” đến một "sân chơi" hàng đầu thế giới. Paris Motor Show tổ chức thường xuyên tại Pháp là một sự kiến lớn trong ngành ô tô thế giới, xếp ngang hàng với các cuộc triển lãm khác như Frankfurt Motor Show (Đức), Geneva Motor Show (Thuỵ Sỹ), Detroit Motor Show (Mỹ),... 

Ngoài ra, đại diện truyền thông của Vinsfat cũng xác nhận sắp tới sẽ có thêm nhiều mẫu ô tô khác ra mắt và sẽ bán tại thị trường trong nước, sau đó sẽ tiến hành sang một số thị trường tiềm năng khác trên toàn cầu.

Với mục tiêu biến giấc mơ sở hữu ô tô Việt của người Việt trở thành hiện thực, thời gian qua, Vinfast đã có bước đi mang tính chiến lược khi thực hiện thành công nhiều thương vụ mua lại tất cả các hoạt động của GM Việt Nam (với thương hiệu Chevrolet), hợp tác với AAPICO (Thái Lan) để sản xuất thân vỏ, hợp tác với tập đoàn hàng đầu Thuỵ Sỹ để sở hữu robot sản xuất tự động và EDGA (Đức) để phát triển sản phẩm,...

Như vậy, bên cạnh Trường Hải (Thaco) và Hyundai Thành Công, Vinfast là thương hiệu thứ 3 của Việt Nam hướng tới việc lắp ráp xe trong nước, trong bối cảnh toàn bộ các hãng xe khác đang dần chuyển qua phân phối xe nhập khẩu.

Cũng trong thời gian qua, nhiều chính sách từ phía nhà quản lý đã được đưa ra nhằm khuyến khích thúc đẩy phát triển ngành ô tô trong nước. Theo ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, để hỗ trợ công nghiệp ôtô Việt Nam trong thời gian tới,năm 2017, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ những nhóm giải pháp chính, mạnh mẽ, tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ôtô trong nước. 

Trong đó khuyến khích sử dụng xe ôtô sản xuất trong nước, bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ôtô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại…

Với những động thái của nhà quản lý cũng như nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một tương lai không xa được sở hữu những chiếc xe “Made in Vietnam” với giá phù hợp thu nhập của mình./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích