Giai đoạn 2016-2020, Long An hạn chế đáng kể thiệt hại về người và tài sản do thiên tai
Trong 4 năm qua (từ năm 2016 - 2020), nhờ thực hiện nghiêm công tác Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) nên tỷ lệ thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Long An được hạn chế đáng kể.
Ngành chức năng thường xuyên đo độ mặn và thông báo rộng rãi trên phương tiện đại chúng
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh - Nguyễn Thanh Truyền, công tác PCTT-TKCN được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tình hình thời tiết, dự báo khí tượng thủy văn, sạt lở, chất lượng nước, triều cường, bão,… được cập nhật thường xuyên và đăng tải trên website http://pctt.longan.gov.vn để các ngành, các cấp và nhân dân kịp thời phòng tránh và ứng phó.
Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ từ Dự án Rừng và đồng bằng, lớp tập huấn về PCTT được tổ chức tại 9 xã vùng thượng huyện Cần Đước và thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh. Dự án Cộng đồng đối phó với thảm họa được triển khai tại 8 xã của huyện Cần Đước. Ngoài ra, còn nhiều chương trình tập huấn ngắn ngày được tổ chức đều đặn tại trường học, các địa phương. Hội Liên hiệp Phụ nữ, ngành truyền thông cũng tăng cường tuyên truyền PCTT-TKCN rộng khắp trên địa bàn tỉnh, trong đó, chú trọng vùng thường xuyên bị thiên tai. Nhờ tăng cường tuyên truyền, ý thức PCTT trong nhân dân ngày càng được nâng cao.
Cánh đồng khô hạn tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của tỉnh, đặc biệt, trong các năm 2016 - 2019, tỉnh Long An chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai: Xâm nhập mặn, sạt lở đất, dông lốc và áp thấp nhiệt đới từ các cơn bão ngoài biển Đông,… Chính vì vậy, các lực lượng Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Công an, các Đội TKCHCN cấp huyện, xã thường xuyên huấn luyện, diễn tập để nâng cao khả năng ứng phó khi có thiên tai, tình huống khẩn cấp xảy ra. Lực lượng Kiểm lâm cũng phối hợp Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy – Cứu hộ cứu nạn tăng cường tập huấn, tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng.
Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng dẫn đến sạt lở khu vực cống Vàm Nhựt Tảo, huyện Tân Trụ
Đặc biệt, tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác di dời dân khi xảy ra hiện tượng sạt lở, bảo đảm an toàn cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Trong 2 năm 2019 - 2020, tỉnh đã di dời, cắm 46 biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành, Thạnh Hóa và TP.Tân An.
Tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, công tác PCTT-TKCN cũng được đẩy mạnh, nhất là việc gia cố, chằng chống nhà cửa, mái che trước mùa mưa bão. Hàng năm, tỉnh Long An được Tổng cục Phòng, Chống thiên tai hỗ trợ kinh phí và từ nguồn ngân sách tỉnh chi hàng chục tỉ đồng để gia cố tuyến đê bao, nạo vét, khơi thông dòng chảy bảo đảm tưới tiêu, ngăn mặn, kết hợp giao thông thủy bộ,… Những công trình lớn như đê bao thị trấn Vĩnh Hưng, công trình thủy lợi Rạch Tràm (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ), kênh 28 (huyện Vĩnh Hưng), kênh 79 (ấp Cái Bát, Tân Hưng), kè sông Vàm Cỏ Tây (TP.Tân An), kè thị trấn Thủ Thừa,…
Xây dựng bờ kè kênh Vành Đai, TP.Tân An
Trong giai đoạn 2017 - 2018, để bảo vệ lúa Hè Thu, tỉnh tổ chức gia cố, tôn cao 145 đoạn đê bao với kinh phí hàng chục tỉ đồng, ngành Giao thông vận tải chú trọng nâng cấp tuyến giao thông vùng lũ, bảo trì kất cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn giao thông cho bến khách ngang sông.
Ngành Điện lực thực hiện kiểm tra, bảo trì hệ thống lưới điện, cột điện, thay thế thiết bị điện xuống cấp để không xảy ra sự cố chập điện hay mất điện trong mùa mưa bão. Đặc biệt, các trường học được tăng cường kiên cố hóa (đã kiên cố trên 76%). Hiện có khoảng 20 trường xuống cấp và 21 trường nằm ở vị trí xung yếu cặp bờ sông, nguy cơ sạt lở cao.
Trong 2 năm 2019 - 2020, tình trạng hạn, mặn xâm nhập diễn ra trên địa bàn tỉnh Long An nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung khá khốc liệt. Mặn xâm nhập vào nội địa sâu hơn năm 2016, gây nhiều thiệt hại và khó khăn cho nông dân. Theo Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi Long An, công tác cập nhật thông tin tình hình độ mặn tại các sông lớn thường xuyên được tiến hành, qua đó, các địa phương chủ động phòng, chống hạn mặn và gieo sạ, xuống giống, tưới tiêu nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra. Đồng thời, tỉnh chủ động phối hợp tỉnh Tiền Giang mở các cống để dẫn nước ngọt từ hệ thống thủy lợi Rạch Chanh - Nguyễn Văn Tiếp xả nước cứu 1.000ha lúa của huyện Tân Trụ và Thủ Thừa; thực hiện bơm tích trữ nước ngọt tại nhều tuyến kênh nội đồng.
Xả nước cứu lúa tại khu vực xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa
Bên cạnh đó, triển khai lắp đặt kịp thời 16 cống ngăn mặn trên QL62 qua địa bàn huyện Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Đồng thời, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thủy lợi 10 đầu tư xây dựng 2 cống ngăn mặn rạch Bà Hai Màng và rạch Ông Nhượng (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) kịp thời ngăn mặn xâm nhập sâu vào dự án thủy lợi Bắc Đông qua tỉnh Long An và Tiền Giang với diện tích 62.000ha.
Trong đợt hạn, mặn gay gắt đầu năm 2020, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An cử nhiều đơn vị vận chuyển xe bồn đến vùng hạ (Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ) để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. BCH PCTT-TKCH phối hợp tổ chức, cá nhân trao tặng 200 thiết bị lọc nước uống cho nhân dân 4 xã của huyện Cần Giuộc. Nhiều tổ chức, cá nhân lắp đặt thiết bị lọc nước cho nhân dân các xã vùng hạ bị thiếu nước trầm trọng trong mùa hạn, mặn.
Ngoài ra, UBND tỉnh đôn đốc Cty CP Đầu tư hạ tầng DNP - Long An thi công xong tuyến ống dẫn nước từ Nhà máy nước Nhị Thành đến ngã tư Chợ Trạm để tạo nguồn nước ngọt cung cấp cho nhân dân huyện Cần Đước và Cần Giuộc. UBND tỉnh cũng phân bổ nguồn vốn 70 tỉ đồng do Trung ương cấp cho các địa phương triển khai hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn, thiếu nước sinh hoạt và xâm nhập mặn.
Hệ thống thủy lợi kênh nổi tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa
Trước tình hình hạn, mặn xâm nhập sâu và kéo dài, vừa qua, UBND tỉnh Long An ban hành kế hoạch 91/KH-UB ngày 22/4/2020 để đẩy mạnh phát triển thủy lợi nội đồng phòng, chống hạn, mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh, qua đó, huy động mọi nguồn lực của toàn dân tham gia phòng, chống hạn mặn có thể gia tăng trong thời gian tới./.
Đỗ Lâm
- Học sinh 3 tốt (14/11)
- Thời tiết hôm nay 14/11: Bão số 8 đổi hướng rồi suy yếu nhanh, Nam Bộ sắp triều cường (14/11)
- Tâm huyết với nghề (13/11)
- Bão số 8 gây gió giật cấp 11 trên vùng biển Bắc Biển Đông (13/11)
- Long Sơn - Đoàn Thanh niên tham gia bảo vệ môi trường (13/11)
- Long An đã thu nhận gần 1,8 triệu thẻ căn cước công dân, căn cước (13/11)
- Giữ nghề chằm nón lá qua năm tháng cuộc đời (13/11)
- Bão số 8 đang suy yếu, một cơn bão khác đang hướng vào Biển Đông (13/11)
- Bán Màng nông nghiệp phủ đất ở đâu