Tiếng Việt | English

03/10/2021 - 18:41

Giai đoạn 2021-2025 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,5-7% mỗi năm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt tăng GDP 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc kiểm soát dịch, cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiếm soát lạm phát, thực hiện chính sách tài khóa hợp lý.


Dây chuyền may xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Bộ này đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương để nghiên cứu xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế đến năm 2023.

Theo định hướng của Đảng, Quốc hội đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đồng thời, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao rõ rệt về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để thực hiện mục tiêu này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Chương trình cần đưa ra được các giải pháp cụ thể gắn với nguồn lực đi kèm, phù hợp với năng lực của nền kinh tế, khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, để phục hồi và phát triển kinh tế cũng cần xác định đối tượng ưu tiên hỗ trợ phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các hoạt động kinh tế tạo động lực phục hồi và phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ có giải pháp về y tế để chủ động “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19;” đồng thời, chính sách phải tổng thể, tác động cả về phía cung để giảm chi phí sản xuất, phía cầu để tạo đầu ra sản phẩm và các khâu kết nối, lưu thông hàng hóa, logistics.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian thực hiện Chương trình cần đủ dài để có thể xây dựng và triển khai các giải pháp tạo cơ sở phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho doanh nghiệp, nền kinh tế, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%/năm.

Trước mắt, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ cần từng bước thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, bền vững trên cơ sở khống chế vượt qua đại dịch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, cần kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế và xác định đó là giải pháp cấp bách ngay từ đầu năm 2022 để tạo nền tảng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiếm soát lạm phát; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; đồng thời, nâng cao năng lực hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp; phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng nội địa; trong đó, phát triển du lịch theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, tăng cường xúc tiến thương mại.

Đặc biệt, Chính phủ cần hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài chính thông qua lãi suất, miễn giảm thuế, phí; phát triển chuỗi cung ứng bền vững nhất là trong ngành sản, nông nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp và thúc đẩy sáng tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua chính sách hỗ trợ của Việt Nam tập trung giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, người dân, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế.

Các chính sách đang thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai./.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết