Tiếng Việt | English

24/08/2016 - 12:00

Giải pháp nào để doanh nghiệp thu hút lao động lành nghề?

Theo đà phát triển KT-XH, những năm tới, nhu cầu lao động chắc chắn sẽ tăng và có thêm nhiều người được tạo công ăn, việc làm. Tuy nhiên, bài toán thu hút lao động, nhất là lao động có tay nghề ở các khu công nghiệp vào thời điểm này vẫn chưa hết khó khăn.

Một số doanh nghiệp do đặc thù ngành nghề chỉ ưu tiên tuyển chọn lao động nữ nên việc tuyển lao động vẫn gặp khó

Theo thống kê của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, hiện nay, lao động có trình độ đại học, lao động có tay nghề cao ở các khu công nghiệp chỉ chiếm khoảng hơn 1%; trình độ trung học chuyên nghiệp chiếm 2,75% so tổng số lao động.

Chính vì có rất ít lao động có trình độ cao nên các lĩnh vực mang tính chất kỹ thuật thuộc các ngành công nghệ thông tin, thiết kế,... luôn thiếu hụt lao động lành nghề. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực này luôn gặp khó khăn do hệ thống đào tạo trong tỉnh chưa đáp ứng được. 

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, do đặc thù ngành nghề như may giày da, túi xách, chỉ ưu tiên tuyển chọn lao động nữ nên việc tuyển lao động vẫn gặp khó,...

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp thiếu lao động nên thường xuyên tăng ca, đây cũng là cách để lao động tăng thu nhập. Những giờ tăng ca, doanh nghiệp trả theo 200% lương ngày bình thường, theo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, khi tăng ca quá mức thì về lâu dài, công nhân không đủ sức khỏe để làm việc.

Thời gian gần đây, mức thu nhập của người lao động trong các khu công nghiệp tuy được các doanh nghiệp điều chỉnh nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn người lao động, do giá sinh hoạt liên tục tăng, mức thu nhập tuy có tăng nhưng so với nhu cầu thực tế thì còn thấp và dự đoán sắp tới, thực trạng khó khăn này vẫn tiếp diễn.

Chị Trần Thị An, công nhân Công ty Kannan, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa cho biết: "Do đa số công nhân, lao động đều là dân nhập cư. Với thu nhập khoảng trên dưới 4 triệu đồng/người/ tháng, sau khi trừ chi phí các khoản tiền trọ, tiền ăn, tiền gửi về quê cho cha mẹ phụ nuôi con, hầu như chúng tôi chẳng còn gì để tiết kiệm, phòng khi rủi ro".

Trao đổi về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa nhận định: "Nếu doanh nghiệp quan tâm thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho công nhân, tạo mọi điều kiện cho công nhân từ xe đưa rước đến nhà ở lưu trú thì tôi nghĩ, việc thu hút lao động từ các nơi khác đến làm việc không phải là vấn đề khó"./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết