Phó Thống đốc Đào Minh Tú kiểm tra cải cách hành chính và triển khai kế hoạch hành động ngành ngân hàng tại Hải Phòng. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)
Mặc dù việc triển khai Quyết định số 1355/QĐ-NHNN về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng mới được 6 tháng, nhưng với sự cộng hưởng những thành quả ngành ngân hàng đã đạt từ trước đó, cộng đồng doanh nghiệp đã đánh giá cao những nỗ lực của ngành hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Khách hàng là thượng đế
“Chưa bao giờ khách hàng là 'thượng đế' như bây giờ. Ngân hàng không chỉ là đối tác cho vay vốn, mà còn tiết giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động tư vấn để tối đa hoá hiệu quả dòng vốn tín dụng.”
Đó là chia sẻ của ông Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sơn Trường với Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trong đợt kiểm tra tình hình triển khai Kế hoạch hành động của ngành mới đây tại Hải Phòng.
Ông Thắng hồ hởi: "Chúng tôi đã trở thành thượng đế của ngân hàng lâu rồi. Từ nguồn vốn khởi chưa đầy 700 triệu đồng, với sự trợ lực của Agribank chi nhánh thành phố Hải Phòng trong suốt hành trình 26 năm qua kể cả những lúc 'tắt lửa, tối đèn', đến nay doanh nghiệp đã trở thành một nhà sản xuất và nhà thầu bêtông lớn với công suất 100 triệu m3 khối bêtông/năm chủ yếu phục vụ cho thi công cầu cảng, doanh thu trên 2.000 tỷ đồng.
Cùng tâm trạng phấn khởi như ông Thắng, ông Nguyễn Mộng Lân, Tổng giám đốc VICO tự hào cho biết, doanh nghiệp hiện có công nghệ sản xuất bột giặt tiên tiến nhất thế giới. Sau gần 20 năm đối tác tín nhiệm với VICO từ năm 1998, tập đoàn sản xuất bột giặt số 1 thế giới P&G đã dỡ bỏ nhà máy sản xuất tại Việt Nam và giao toàn bộ phần sản xuất sản phẩm phân phối tại khu vực Đông Nam Á cho công ty đảm đương.
Cũng theo ông Lân, phía sau ánh hào quang ấy, là trợ lực của ngân hàng từ 20 năm trước khi công ty khởi động với cái Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sao Biển cùng số vốn vẻn vẹn 645 triệu đồng.
Từ món vay đầu tiên 1,7 tỷ đồng của chi nhánh VietinBank Ngô Quyền (Hải Phòng), dòng vốn này đã góp lực cùng VICO xây dựng 2 nhà máy với công suất 75.000 tấn/năm và đang triển khai nhà máy mới 2 dây chuyền công suất 150.000 tấn/ năm với trình độ công nghệ hàng đầu khu vực, trong đó VietinBank Ngô Quyền tài trợ phân nửa tổng đầu tư dự án. Đây chính là điểm tựa giúp VICO chiếm 20% thị phần bột giặt cả nước năm 2015, đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng năm 2016, và mơ về tương lai không xa với doanh thu 5.000 tỷ đồng.
“Có những lúc doanh nghiệp tưởng chừng như phá sản, ngân hàng thì mất vốn, nếu không có sự tin tưởng và hỗ trợ của VietinBank Ngô Quyền, doanh nghiệp không thể có sự phát triển như ngày hôm nay,” Tổng Giám đốc Lân tâm sự.
Giám đốc VietinBank chi nhánh Ngô Quyền Đàm Hồng Tiến cho biết, cùng với những chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng cũng như VietinBank Trung ương về triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP theo Kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh đã tập trung chuyển đổi các bộ phân chuyên môn theo hướng chuyên biệt hoá, hướng tới từng đối tượng khách hàng. Cùng với đó là việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, xây dựng các sản phẩm chuyên biệt khách hàng. Công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để đã giúp chi nhánh có thể tiến hành làm thủ tục và giải ngân cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng vùng sâu, vùng xa qua fax và Internet Banking.
Giao dịch tại Agribank: (Nguồn: TTXVN)
Giảm thủ tục để "chia lửa" cùng doanh nghiệp
Trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã bãi bỏ 6 thủ tục, đơn giản hóa 10 thủ tục, đơn giản hóa/cắt giảm 26 thành phần hồ sơ. Những thủ tục hành chính này khi xuống chi nhánh Ngân hàng Nhà nước lại thêm một lần nữa được thêm rút ngắn thời gian xử lý với sự năng động và trách nhiệm của cán bộ công chức.
Kết quả 6 đợt kiểm tra triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước do Phó Thống đốc Đào Minh Tú vừa qua cho thấy, các quy trình thủ tục đã được các tổ chức tín dụng từ trung ương đến địa phương cắt giảm cả về thủ tục cũng như thời gian giao dịch. Các tổ chức tín dụng đưa ra như các gói hỗ trợ lãi suất chung toàn hệ thống, cùng sự “chia lửa” của chính các chi nhánh tại địa phương như cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất…
Không chỉ nhanh chóng xây dựng Chương trình hành động thực Quyết định 1355/QĐ-NHNN, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV) đang dần hiện thực hoá bằng các hành động, sản phẩm cụ thể dù thời gian triển khai mới được 6 tháng như tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay và cơ cấu lại nợ.
“Điều này cho thấy, các đơn vị đã nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm và ý nghĩa trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá.
Việc tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp của ngân hàng còn nhìn rõ qua kết quả đổi mới, cải tiến các quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực phục vụ của đội ngũ nhân viên, thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro.
Tại BIDV, với việc triển khai tích cực từ 2014 đến nay, thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cung cấp đáp ứng yêu cầu của khách hàng đã giảm từ 20-40% tuy theo đặc thù quy trình/sản phẩm dịch vụ. Biểu phí khách hàng doanh nghiệp mới đã cắt bỏ nhiều loại phí như phí từ vấn/thu xếp/thẩm định dự án; bỏ phí duy trì hạn mức, điều chỉnh tăng, gia hạn hạn mức…
Tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp càng rõ trong việc các tổ chức tín dụng “nhường cơm, sẻ áo” cho các doanh nghiệp gặp khó khăn bằng việc cơ cấu nợ, miễn giảm lãi nhằm tạo điều kiện cho các khách hàng giảm bớt năng lực tài chính, khôi phục ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, Agribank đã miễn giảm lãi trên 400 tỷ đồng, BIDV là 103,9 tỷ đồng lãi và phí.
Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo BIDV cam kết sẽ tiếp tục cắt giảm từ 20-30% thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cung cấp đáp ứng yêu cầu của khách hàng tùy theo quy trình nghiệp vụ.
Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy, thời gian qua các tổ chức tín dụng đã cải cách rất nhiều và có nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng vẫn xảy ra vấn đề bất đối xứng thông tin, nhiều doanh nghiệp, người dân chưa biết.
Chính vì vậy, một trong những nội dung trọng tâm mà Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt ra cho các ngân hàng thương mại trong thời gian tới chính là việc các tổ chức tín dụng hoàn thành việc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp và người dân biết về thủ tục cung cấp dịch vụ đối với khách hàng. Đặc biệt là thủ tục hồ sơ trong quan hệ vay vốn của doanh nghiệp và người dân với ngân hàng bao gồm: trình tự các bước thực hiện; thời hạn giải quyết; lãi suất cho vay.
“Làm sao để đến cuối năm nếu có doanh nghiệp nói rằng không vay được vốn, có thể truy đến cùng xem doanh nghiệp không vay được vốn vì ngân hàng gây khó dễ hay vì không đủ điều kiện vay vốn,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh./.
Theo TTXVN