Cùng với cả tỉnh, người dân khu vực Đồng Tháp Mười vô cùng phấn khởi khi Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ được khánh thành, đưa vào sử dụng. Đây là 1 trong 2 căn cứ địa quan trọng của cách mạng miền Nam trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp; là nơi ở, làm việc và chiến đấu của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và nhiều cơ quan của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang từ cấp xứ đến khu, tỉnh trong thời gian 3 năm, từ năm 1946-1949, dưới sự đùm bọc, che chở của người dân Đồng Tháp Mười. Khu di tích lịch sử (DTLS) cấp quốc gia này là công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2010-2015).
Long An là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng; nhiều địa danh, con người nơi đây gắn liền với chiến tích anh hùng của dân tộc trong suốt quá trình khai hoang và giữ nước. Trên vùng đất rạng danh 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” này còn lưu giữ, bảo tồn nhiều địa danh lịch sử, cách mạng. Đó là Khu DTLS Cách mạng tỉnh (huyện Đức Huệ); Khu DTLS Nhà Tổng Thận và Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” (TP.Tân An); Khu di tích Ngã tư Đức Hòa (huyện Đức Hòa), DTLS Ngã tư Rạch Kiến (huyện Cần Đước), Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ), Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức),...
Thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn, nhất là về tài chính nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An luôn quan tâm đầu tư, xây dựng các công trình di tích nhằm lưu giữ, bảo tồn những di tích, di vật lịch sử, trở thành những "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Với những ý nghĩa to lớn về lịch sử và văn hóa, các cấp, các ngành trong tỉnh, nhất là ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngành Giáo dục và Đào tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh,... cần chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá các khu di tích để thu hút khách tham quan, du lịch; chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của dân tộc, phát huy truyền thống đó thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, hướng tới sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.
Mỗi di tích là một niềm tự hào. Mọi người cần có trách nhiệm làm cho niềm tự hào đó lan tỏa trong cuộc sống, tạo động lực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước./.
Kim Quy