Tiếng Việt | English

27/04/2024 - 16:55

Giao thông đi trước mở đường tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Với việc đầu tư hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao đã góp phần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh trong phát triển KT-XH, đưa tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngành Giao thông Vận tải tập trung hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm để xây dựng hệ thống giao thông của tỉnh ngày càng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao phục vụ phát triển KT-XH

Hệ thống giao thông - vận tải từng bước đồng bộ, hiện đại

Nhìn lại Long An cách đây chừng 10 năm, dù có vị trí quan trọng khi là cửa ngõ của miền Tây với TP.HCM nhưng trong phát triển kinh tế, tỉnh vẫn chưa thực sự có bước đột phá. Việc thu hút đầu tư vào tỉnh cũng gặp khó khăn khi nhiều nhà đầu tư vẫn chưa chọn Long An làm điểm đến. Một phần nguyên nhân trong đó đến từ hệ thống giao thông - vận tải (GTVT) của tỉnh chưa đồng bộ. Thời điểm ấy, ngoài tuyến Quốc lộ (QL) 1 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương qua địa bàn tỉnh thì hầu hết các trục đường kết nối chỉ là các tuyến đường tỉnh (ĐT) mặt đường nhỏ, hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Từ thực tế đó, liên tiếp trong các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây, việc đầu tư phát triển hệ thống GTVT luôn được đưa vào nghị quyết. Đặc biệt, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và XI, tỉnh đều xác định đưa vào nghị quyết các công trình trọng điểm về giao thông và xây dựng chương trình đột phá để xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm. Hàng loạt công trình giao thông lớn được hoàn thành dần hình thành mạng lưới GTVT mang tính kết nối cao.

Trong đó, nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh xác định 3 công trình trọng điểm gồm ĐT830, đường Vành đai TP.Tân An và ĐT827E (nay là QL50B). Đồng thời, thực hiện Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, ngành Giao thông cũng xác định đầu tư 14 dự án, công trình giao thông huyết mạch phục vụ phát triển công nghiệp tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 5.855 tỉ đồng.

Còn trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh xác định 3 công trình giao thông trọng điểm gồm hoàn thiện đường Vành đai TP.Tân An, ĐT830 và xây dựng 3 cầu trên tuyến QL50B cũng như đầu tư các công trình thuộc Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Riêng trong giai đoạn 2021-2025, Sở GTVT được giao làm chủ đầu tư 58 danh mục dự án, với tổng số vốn hơn 11.030 tỉ đồng.

Long An như một "đại công trường" với hàng loạt dự án giao thông lớn đang được triển khai

Theo Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn, từ việc huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giao thông, đến nay, hệ thống GTVT của tỉnh cơ bản được đầu tư đồng bộ, có tính kết nối cao, nhất là tại các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Những năm qua, tỉnh liên tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư, vươn lên khẳng định vị thế dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tạo động lực phát triển kinh tế

Ông Đặng Hoàng Tuấn cho rằng, các dự án GTVT hoàn thành trong thời gian qua mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển KT-XH địa phương, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm, có tính chất liên kết vùng.

Đơn cử như dự án đường Vành đai TP.Tân An và cầu Vàm Cỏ Tây đã hoàn thành đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng đô thị, kết nối giao thông, phát triển KT-XH của TP.Tân An và các huyện lân cận như Thủ Thừa, Châu Thành, Tân Trụ; đồng thời, giảm bớt áp lực giao thông trên các tuyến QL1, tuyến tránh QL1, QL62 đoạn qua TP.Tân An và trục đường Hùng Vương, giảm thiểu tai nạn giao thông, tránh ùn tắc giao thông vào các dịp lễ, tết. Hay công trình trọng điểm ĐT830 kết nối 4 huyện trong vùng kinh tế trọng điểm gồm Đức Hòa - Bến Lức - Cần Đước - Cần Giuộc. Đây là dự án giao thông rất quan trọng, đóng vai trò là đường nối các trung tâm kinh tế, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh và các vùng lân cận cùng với các cảng biển lớn như Cảng Quốc tế Long An, Cảng Hiệp Phước, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH cho toàn vùng.

Công trình trọng điểm Đường tỉnh 830E đang được các đơn vị tập

Bên cạnh đó, đối với các công trình giao thông thuộc chương trình đột phá như ĐT824 giúp mở rộng đồng bộ về quy mô mặt cắt ngang toàn tuyến, bảo đảm kết nối giao thông thuận lợi từ ĐT825, ĐT830 đến TP.HCM, tỉnh Tây Ninh. Đặc biệt, tuyến đường Tân Tập - Long Hậu - QL50 - Cảng Quốc tế Long An tạo thành trục giao thông kết nối giữa tỉnh Long An - TP.HCM giữa các khu, cụm công nghiệp tại huyện Cần Giuộc, phát triển logistics và vận tải đa phương thức cho khu vực, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư và phát huy hiệu quả khai thác của Cảng Quốc tế Long An.

Ông Đặng Hoàng Tuấn khẳng định, với vai trò giao thông đi trước mở đường, hiện ngành Giao thông tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, các công trình thuộc chương trình đột phá, phấn đấu sớm hoàn thành các công trình phục vụ phát triển KT-XH. “Có thể khẳng định từ việc huy động mọi nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng GTVT, đến nay, hệ thống giao thông của tỉnh cơ bản được đầu tư đồng bộ, có tính kết nối cao, góp phần tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển, thu hút đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, bảo đảm an ninh - quốc phòng và giúp tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - ông Đặng Hoàng Tuấn cho biết./.

Nhật Minh

Chia sẻ bài viết