Tiếng Việt | English

24/02/2024 - 14:31

Bảo vệ an toàn cho học sinh trước tai nạn giao thông  

Năm 2023, theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An thống kê, toàn tỉnh có 77 vụ học sinh vi phạm pháp luật về giao thông; xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông liên quan học sinh, 3 học sinh bị thương, 7 học sinh bị chết (tăng 1 học sinh so năm 2022)…

Ảnh minh họa

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Long An vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Theo đó, UBND tỉnh Long An xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong tổng thể công tác bảo đảm TTATGT, vừa có tính cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần được thực hiện một cách quyết liệt, thường xuyên, liên tục để bảo vệ và xây dựng thế hệ công dân tương lai có văn hóa giao thông văn minh.

UBND tỉnh yêu cầu phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT; triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn, triệt tiêu các yếu tố hình thành nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật về giao thông và giảm tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh.

Mục tiêu đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là: Thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong Nhân dân; trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.

Từ đó, UBND tỉnh Long An đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là từng sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát lại các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xác định rõ các nội dung, biện pháp và trách nhiệm bảo đảm TTATGT trong lứa tuổi học sinh phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn.

Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để tình hình TTATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.

Cùng với đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Tăng cường kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng giao thông.

Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến lứa tuổi học sinh, như điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi quy định, giao xe cho người chưa đủ điều kiện, phương tiện đưa đón học sinh khôngbảo đảm an toàn kỹ thuật,...

Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với đối tượng trong lứa tuổi học sinh...; thực hiện hiệu quả nội dung cam kết chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh; mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông. Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT.

Phát huy vai trò của nhà trường, phụ huynh và gia đình trong việc quản lý kiểm soát, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, văn hóa tham gia giao thông văn minh, ý thức tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cho lứa tuổi học sinh.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các khu dân cư, trường học, các tuyến giao thông có trường học. Rà soát, sắp xếp tổ chức giao thông trước khu vực trường học và phân luồng, phân tuyến khoa học, hợp lý; tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT trước cổng trường học.

UBND tỉnh yêu cầu 100% các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm quy định pháp luật về giao thông, kết hợp tuyên truyền, giám sát xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho lứa tuổi học sinh, từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết