Tiếng Việt | English

07/10/2015 - 19:22

Long An

Lớp xóa mù chữ giữa lòng thành phố

17 năm rồi, lớp xóa mù chữ ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An vẫn được duy trì. Đã có nhiều lớp học sinh đến rồi đi, có em biết chữ, có em bỏ dở, cũng có em đã gầy dựng gia đình và sống có ích cho xã hội. Chỉ có cô Phạm Thị Liêm là vẫn tiếp tục âm thầm đến lớp từng đêm, cố gắng dạy chữ, dạy nghĩa cho những hoàn cảnh khó khăn.

Lớp học tình thương do cô Liêm đứng lớp ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu

Lớp học đặc biệt

Đi đâu đó trong thành phố, thấy các em bán vé số, nhặt ve chai, cô Liêm lại hỏi thăm xem có đi học hay không. Nếu không, cô cho tập, viết rồi bảo đến lớp học tình thương, cô dạy cho biết chữ. Đó là cách mà lớp học tình thương được hình thành và duy trì hơn 10 năm nay.

Vợ chồng anh Đinh Phước Tấn và chị Nguyễn Thị Tuyết (phường 3, TP.Tân An) có 5 người con thì 3 con lớn không đứa nào biết chữ. Hai con nhỏ là Nguyễn Thị Ngọc Hiền và Nguyễn Thị Ngọc Hồng đang theo học tại lớp tình thương do cô Liêm dạy. Hiền 9 tuổi, học lớp 1, Hồng 14 tuổi học lớp 3. Ban ngày Hiền ở nhà trông nhà, cha mẹ đi mua ve chai, Hồng đi phụ quán nước mỗi ngày được vài chục nghìn đồng. Cuộc sống “có bữa nào ăn bữa đó”. Anh Tấn, chị Tuyết cứ nghĩ rồi 2 đứa con của mình cũng sẽ như anh chị nó “một chữ bẻ đôi cũng không biết”, may được hàng xóm chỉ cho lớp học tình thương mà các em được làm quen với cái chữ.

Nguyễn Thị Kim Hồng ở phường Tân Khánh, TP.Tân An thì mỗi ngày đi cùng bà nội tới lớp. Nội em bán nước ở công viên phường 3 nên tiện đường đưa em đi học. Hồng sống cùng ông bà nội và chú từ khi cha mẹ ly hôn. Cuộc sống gia đình khó khăn nên Hồng không được đến trường. Em nói: “Hồi trước, chú em học ở đây nên nội đưa em tới đây học. Ban ngày, em đi bán vé số, tối về đi học”. Hồng học rất chăm chỉ, hiện em đang là học sinh lớp 5 duy nhất của lớp.

Nỗ lực duy trì

Lớp có 12 học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 5 nên cô Liêm phải kèm từng em một. Khi cho lớp 4, 5 làm bài thì cô tranh thủ kẻ hàng, dạy chữ cho lớp 1, 2. Do điều kiện hoàn cảnh đặc biệt, khả năng tiếp thu của các em cũng khác nhau, nên việc theo sát từng em là điều bắt buộc. Chưa kể đến những em hiếu động, chậm tiếp thu, đòi hỏi cô Liêm phải dạy đi dạy lại nhiều lần.

Cô cho biết: “Dạy các em quan trọng là phải hiểu tâm lý, không được rầy la nhiều quá! Tôi không chỉ dạy các em biết chữ mà còn dạy cả cách sống tử tế. Mong là các em biết đọc, biết viết để hòa nhập cuộc sống dễ dàng hơn”.
Chương trình dạy chỉ duy trì 2 môn chính là tiếng Việt và Toán nhưng đều bám sát vào sách giáo khoa. Mỗi khi ra đề thi cho các em, cô đều thông qua hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu nhằm bảo đảm chất lượng đề bài, giúp đánh giá đúng năng lực của các em.

Lớp học được hình thành từ năm 2008 bằng nỗ lực của cô Liêm và Đoàn Thanh niên phường. Lúc đó, cô chưa nghỉ hưu, nên ban ngày đi làm, buổi tối đến với lớp. Nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu và chính quyền địa phương nên lớp học tồn tại trong thời gian dài như vậy.

Trên 10 năm duy trì lớp, mong mỏi lớn nhất của cô Liêm vẫn là lớp sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của xã hội, để các em có tập, sách đến lớp, để mỗi dịp Trung thu hay Quốc tế thiếu nhi, các em có chút quà vui cùng bè bạn. Và điều cô trăn trở nhất chính là sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Vì cô biết, dù cô có cố gắng, cha mẹ các em không tạo điều kiện thì con đường biết chữ của các em sẽ rất gập ghềnh. Cô sợ mỗi ngày có thêm 1 học trò vắng học vì “không có người đưa đi”, vì “phải đi làm kiếm tiền” và những lời mách ngây ngô của các em “cô ơi, ba mẹ xé tập của con!” luôn làm cô cảm thấy nhói lòng.

Phương Phương
 

Chia sẻ bài viết