Hàng năm, cứ đến mùng 10 tháng 3 âm lịch, những người con nước Việt lại nô nức và hướng về ngày Giỗ Tổ. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc nhằm tưởng nhớ công ơn các vua Hùng có công dựng nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam vẫn nhớ ngày Giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất cội nguồn. Nơi đây chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam; nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.
Dù là huyền thoại nhưng bao gồm triết lý sống làm nền tảng từ thời sơ khai trong tinh thần và tâm linh, luôn là nền tảng trong tình đoàn kết và tự hào dân tộc qua nhiều thế hệ.
Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ đề cao niềm tự hào dân tộc mà còn nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc; chúng ta phải làm gì và có thể làm được những gì có ích lợi cho cộng đồng, dân tộc, tổ tiên; có nếp sống cho gia đình và dòng tộc, quây quần bên nhau, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
Nét độc đáo và kỳ diệu là người dân nào, gia đình nào, làng xóm nào cũng thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Truyền thống ấy được kế thừa và vun đắp, là tình cảm thiêng liêng mà trong sáng, là văn hóa tinh thần luôn tiềm ẩn và trở thành sức mạnh vô biên.
Công nhận Lễ hội Đền Hùng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UNESCO đề cao tinh thần yêu nước của các dân tộc, muốn nó trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân loại./.
Hoàng Danh