Đại biểu tham gia hội thảo
Dự hội thảo có Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh - Lê Thanh Nghiêm; Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều; Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế - Nguyễn Thành Thanh; đại diện Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành trong tỉnh. Hội thảo có các diễn giả đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam cùng gần 200 đại biểu là các quản lý cấp cao, chuyên viên nhân sự tại các doanh nghiệp thuộc địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh - Lê Thanh Nghiêm chia sẻ, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Long An là một trong những tỉnh sớm kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, mang lại trạng thái bình thường mới, khôi phục sản xuất. Long An đã thực hiện nhiều giải pháp để kết nối cung cầu lao động như tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đăng tuyển, kết nối nhu cầu việc làm; ưu tiên tiêm vắc-xin cho lao động trở lại doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động,... nhưng vẫn còn nhiều lao động trong và ngoài tỉnh chưa tham gia sản xuất, nhiều doanh nghiệp còn thiếu lao động để đáp ứng hoạt động tái sản xuất.
Thông qua hội thảo, Ban Tổ chức mong muốn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đối với nguồn lực lao động tại doanh nghiệp để có giải pháp vừa giữ chân được người lao động, vừa ổn định lực lượng sản xuất, khai thác ngày càng hiệu quả nguồn lực lao động, xây dựng môi trường làm việc nhân văn, phù hợp đặc thù doanh nghiệp, tạo sự an tâm cho người lao động.
Theo kết quả cuộc khảo sát nhanh do ManpowerGroup Việt Nam thực hiện vào đầu tháng 6/2022 , doanh nghiệp tại Long An đang đối mặt với nhiều thách thức khác nhau trong quản trị nhân sự. Gần 40% nhà tuyển dụng cho biết họ không thể tuyển đủ số lượng lao động như mong muốn, 31% chia sẻ mức lương và phúc lợi họ mang đến cho người lao động chưa đủ cạnh tranh và khoảng 1/3 doanh nghiệp (32%) thừa nhận tỷ lệ nghỉ việc tại doanh nghiệp đang khá cao.
Chuyên gia, diễn giả chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc giữ chân người lao động
Trên thực tế, các doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của các phúc lợi đối với người lao động, được thể hiện qua nhiều hình thức phúc lợi đa dạng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, một vài phúc lợi mà người lao động kỳ vọng hiện vẫn chưa thực hiện được, trong đó có chương trình đào tạo & phát triển kỹ năng, phụ cấp ăn trưa, chế độ giờ làm việc linh hoạt hay chương trình thi đua khen thưởng.
Tại hội thảo, chuyên gia, diễn giả đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc giữ chân người lao động như những mong muốn, nhu cầu mới của người lao động trong giai đoạn “bình thường mới” nhằm gắn kết lao động với tổ chức dài lâu; chiến lược thu hút và giữ chân người lao động phù hợp với điều kiện và khả năng của doanh nghiệp; những bài học kinh nghiệm từ những doanh nghiệp thành công trong việc áp dụng các biện pháp phi tài chính để giữ chân người lao động.
Bà Đặng Thị Hải Hà - Nhà sáng lập Respect Việt Nam và Weatword cho cho rằng, doanh nghiệp muốn giữ chân người lao động cần truyền thông hiệu quả, làm nổi bật phúc lợi ưu tiên. Doanh nghiệp cần quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp, giải quyết tốt vấn đề then chốt về nhân sự; chú trọng mối quan hệ về kỷ luật, linh hoạt, hiệu quả. Đặc biệt, mọi phúc lợi đều hướng về giá trị cốt lõi của mối “quan hệ” trên mô hình kinh doanh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Tuyển dụng cấp cao và Tư vấn nhân sự thuộc ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ, người lao động hiện đang mong đợi ở doanh nghiệp nhiều hơn bao giờ hết. Họ muốn được chú trong hơn về sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời cũng mong muốn những yếu tố khác như sự linh hoạt, thu nhập cạnh tranh, môi trường làm việc tốt, văn hóa doanh nghiệp truyền cảm hứng hay cơ hội trau dồi kỹ năng. Những doanh nghiệp thấu hiểu được những mong muốn này của người lao động và phát triển chiến lược phù hợp sẽ thành công trong thời điểm thiếu hụt nhân tài hiện nay.
Ngoài ra, trong phần thảo luận và trao đổi kinh nghiệm, các diễn giả khách mời đã cùng thảo luận về các ưu tiên của doanh nghiệp trong việc lựa chọn các phúc lợi cần thực hiện. Theo các diễn giả, trong rất nhiều lựa chọn về chính sách lương và phúc lợi dành cho người lao động, doanh nghiệp cần lựa chọn các ưu tiên dựa trên mong muốn thực tế của nhân viên, đồng thời vẫn theo đúng định hướng kinh doanh và tầm nhìn dài hạn của tổ chức, đặc biệt trong điều kiện hạn hẹp về nguồn lực. Những bài học kinh nghiệm từ những doanh nghiệp thành công trong việc áp dụng các biện pháp phi tài chính để giữ chân người lao động cũng được chia sẻ./.
Mai Hương