Tiếng Việt | English

05/11/2021 - 10:26

Nhà ở công nhân phù hợp cho 'an cư' lẫn ứng phó dịch bệnh

Khi doanh nghiệp (DN) có nhà ở sẽ giúp công nhân (CN) “an cư”, giữ chân người lao động (LĐ) tốt. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh, chính quyền địa phương có sự chuẩn bị và linh động trong ứng phó đối với dịch bệnh, hạn chế nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng. Chính vì điều này, Long An đang nỗ lực xây dựng từ 500.000-1.000.000 chỗ ở cho CNLĐ.

Khu lưu trú dành cho công nhân, lao động trong Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc

Khu lưu trú dành cho công nhân, lao động trong Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc

"An cư" chưa tương xứng

Trên địa bàn tỉnh có 31 khu công nghiệp (KCN) có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 được duyệt và 62 cụm công nghiệp (CCN). Trong đó, có 16 KCN đang đi vào hoạt động với khoảng 138.508 CNLĐ và 22 CCN đang đi vào hoạt động, với số lượng 20.500 CNLĐ.

Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 15 dự án nhà ở CN. Trong đó, có 2 dự án đã đi vào hoạt động: Khu lưu trú CN Long Hậu thuộc KCN Long Hậu (diện tích sàn 38.230m2; số căn hộ 594 căn; số người được bố trí 1.600/4.992 người); Khu nhà ở CN Đông Quang thuộc KCN Hải Sơn (diện tích sàn 7.332m2; số căn hộ 522 căn; số người được bố trí 1.700 người). 13 dự án còn lại đang triển khai.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng với 20.000 căn nhà trọ, diện tích khoảng 300.000m2, bố trí được 30.000 CNLĐ trong các K,CCN.

Thông tin từ Sở Xây dựng, số lượng dự án nhà ở CN đang triển khai trên địa bàn tỉnh còn hạn chế và tiến độ rất chậm, nhất là khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Điều này dẫn đến quá trình thực hiện kéo dài và số lượng dự án đã hoàn thành, đưa vào hoạt động còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Một thực tế khác là nhiều DN chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội, do vướng mắc về thủ tục; lợi nhuận bị khống chế và các chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội đã ban hành chưa đủ thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt, các DN sản xuất, kinh doanh trong K,CCN còn chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu về nhà ở cho CNLĐ. Tuy nhiên, sau đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, các DN đã thấy rõ tầm quan trọng của việc ổn định điều kiện ăn, ở cho CN, nhất là khi có các đợt dịch bệnh như vừa qua.

Nhu cầu cần thiết

Tại buổi đối thoại cùng DN, Hiệp hội DN tỉnh kiến nghị đến UBND tỉnh nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng nhà ở CN. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh - Võ Thanh Tú, khi CNLĐ có nhà ổn định sẽ giải quyết được 3 vấn đề căn cơ gồm: Một là bảo đảm “an cư” để giữ chân người LĐ; hai là chính quyền địa phương thuận lợi trong kiểm soát an ninh, trật tự, giảm nhà trọ manh mún, tạm bợ, CN lưu trú nay đây mai đó; ba là có sự chuẩn bị và linh động trong ứng phó đối với dịch bệnh, hạn chế nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng và không còn bị động như giai đoạn “3 tại chỗ” vừa qua. Vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út cho biết, Long An đang xin chủ trương lập đề án xây dựng nhà ở CN đến 500.000 căn trong thời gian tới.

Thông tin từ Sở Xây dựng, Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2962/QĐ-UBND, ngày 24/8/2020, trong đó đã định hướng giai đoạn 2020-2025, phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 194.000m2, tương ứng với 4.848 căn, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 40% CN; giai đoạn 2026-2030, phấn đấu đầu tư xây dựng 291.000m2, tương ứng với 7.272 căn, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 60% CN có khó khăn về nhà ở (mỗi căn khoảng 40m2).

Do đó, để bảo đảm nhu cầu về nhà ở cho CN và nhà ở xã hội giai đoạn 2020-2025 theo chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg, ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tăng cường công tác triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia vào lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn có nhiều K,CCN. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ.

Về quỹ đất, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, UBND các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở CN. Về quy hoạch: UBND tỉnh giao Sở Xây dựng rà soát, bổ sung các quy hoạch đô thị, quy hoạch khu kinh tế; K,CCN phải bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi tham mưu lập, thẩm định quy hoạch các khu đô thị mới, KCN mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải bố trí khu đất quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở CN, nhà ở sinh viên cùng với các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao,...  theo quy định của pháp luật. Về nguồn vốn, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính cân đối bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư các hạ tầng thiết yếu: Trường học, nhà trẻ, cơ sở y tế, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông CN và người LĐ.

Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu văn bản của UBND tỉnh quy định nguồn tiền thu được từ quỹ đất dành 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho CN, người LĐ làm việc tại các K,CCN; người nghèo; người thu nhập thấp tại các đô thị trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20/10-2015 và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, ngày 01/4/2021 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Nhà trẻ trong khu lưu trú Khu công nghiệp Long Hậu đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân, lao động

Nhà trẻ trong khu lưu trú Khu công nghiệp Long Hậu đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân, lao động

Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Minh Hùng cho biết, ngày 17-9-2021, Bộ Xây dựng có Văn bản số 3822/BXD-QLN gởi các địa phương về “Giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở CN KCN” và UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp các cơ quan liên quan báo cáo, đề xuất. Hiện Sở Xây dựng phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan rà soát lại các dự án K,CCN đã có quy hoạch khu nhà ở CN nhưng chưa triển khai và định hướng đối với các K,CCN tiếp nhận trong thời gian tới để tham mưu UBND tỉnh có giải pháp, biện pháp chặt chẽ hơn trong việc cùng với các DN, các chủ đầu tư chăm lo tốt hơn đời sống người LĐ trong K,CCN, bảo đảm an toàn sản xuất, nhất là về các điều kiện ở của CN và thiết chế văn hóa trong các K,CCN.

Tỉnh Long An cũng kiến nghị các quy định từ Trung ương để phát triển nhà ở CN. Theo đó, cần hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở xã hội cho CNLĐ. Đặc biệt là khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư nhà ở cho CN theo quy định tại khoản 2, Điều 58 của Luật Nhà ở. Bổ sung nguồn vốn từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho ngân hàng thương mại để thực hiện cho vay ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở; Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP. Quy định bán kính từ K,CCN đến khu nhà ở CN và bổ sung quy định cụ thể cho phép xây dựng nhà ở diện tích vừa và nhỏ để DN, hộ gia đình tham gia đầu tư nhà ở cho CN./.

Hiện Sở Xây dựng phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan rà soát lại các dự án K,CCN đã có quy hoạch khu nhà ở công nhân nhưng chưa triển khai và định hướng đối với các K,CCN tiếp nhận trong thời gian tới để tham mưu UBND tỉnh có giải pháp, biện pháp chặt chẽ hơn trong việc cùng với các DN, các chủ đầu tư chăm lo tốt hơn đời sống người lao động trong K,CCN, bảo đảm an toàn sản xuất, nhất là về các điều kiện ở của công nhân và thiết chế văn hóa trong các K,CCN”.

Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Minh Hùng

Mai Hương

Chia sẻ bài viết