Sách là "cầu nối" giúp người đọc tiếp cận tri thức đầy đủ, sâu sắc nhất
Lan tỏa văn hóa đọc
Là người đam mê đọc sách, mỗi khi có thời gian rảnh là anh Nguyễn Hoàng Phi Long (SN 2000, ngụ xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) lại đến các cửa hàng bán sách để tìm mua những quyển sách mới về đọc. Anh Phi Long chia sẻ: “Cuối tuần, tôi hay đến nhà sách tìm sách mới, văn bản luật để nâng cao kiến thức chuyên ngành luật của mình. Tôi thường đọc sách giấy và cũng hay đọc sách điện tử. Mỗi cách đọc đều có điểm thú vị riêng, tuy nhiên, tôi thích đọc sách giấy hơn vì cảm giác cầm quyển sách, ngửi mùi sách thích hơn”.
Khi còn là học sinh tiểu học, Phi Long đọc những quyển truyện tranh. Đến THCS, THPT, anh bắt đầu thích đọc những loại truyện ngắn, những mẩu chuyện hay trong cuộc sống, sách lịch sử. Đến khi lên đại học, anh Phi Long thường đến thư viện trường để tìm đọc sách chuyên ngành phục vụ học tập. Bây giờ, tuy bận rộn học tập, làm việc nhưng anh vẫn dành thời gian tìm mua và đọc sách. Với anh Phi Long, đọc sách như một thói quen, sở thích giúp nâng cao kiến thức, mở mang tầm mắt và hoàn thiện mình mỗi ngày.
Phát triển văn hóa đọc trong trường học
Còn đối với chị Đỗ May Thi (giáo viên Trường Tiểu học Lê Minh Xuân, huyện Đức Hòa), bao lâu nay, chị vẫn “một lòng” với văn hóa đọc sách. Vì yêu thích lịch sử nên chị hay đọc những quyển sách về các nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc, chiến tranh. Vừa qua, chị nhận giải Khuyến khích trong Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 với chủ đề Sách và khát vọng cống hiến do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Tại cuộc thi này, chị May Thi thực hiện video giới thiệu về quyển sách Võ Thị Sáu con người và huyền thoại do tác giả Nguyễn Đình Thống biên soạn.
Với chị May Thi, đọc sách không những để thư giãn mà còn giúp chị am hiểu nhiều kiến thức lịch sử, sự trải nghiệm trong cuộc sống qua những bài học mà tác giả thể hiện trong từng trang sách. Cũng theo chị May Thi, đọc sách sẽ rèn tính kiên nhẫn, điềm tĩnh cho người đọc. Hiểu được giá trị của văn hóa đọc nên khi đứng trên bục giảng, chị luôn định hướng cho học sinh có thói quen đọc sách từ nhỏ. Ngoài sự giáo dục của gia đình, nhà trường, sách còn là “trường học” mang đến những kiến thức vô giá, góp phần hình thành nhân cách tốt cho thế hệ trẻ.
Năm 2022, nhờ làm tốt công tác định hướng, lan tỏa văn hóa đọc trong trường học, tỉnh có 2 học sinh đoạt giải khuyến khích cấp Bộ trong cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Cuộc thi trở thành thương hiệu cho hoạt động khuyến đọc được học sinh, sinh viên trong tỉnh hưởng ứng sôi nổi, góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm, kế hoạch hành động phát triển văn hóa đọc phù hợp với các lứa tuổi, đối tượng khác nhau.
Lan tỏa văn hóa đọc thông qua các sân chơi, cuộc thi ý nghĩa
Giám đốc Nhà sách Trung Tâm (TP.Tân An) - Lâm Quốc Hiệu cho biết, để giữ gìn và phát huy văn hóa đọc sách, thời gian qua, nhà sách chỉnh sửa, trang bị không gian đọc sách thoải mái để thu hút bạn đọc. Không gian đọc sách được bố trí tại tầng 1 rộng rãi, có máy lạnh, bàn, ghế, nước uống. Xung quanh sắp xếp nhiều thể loại sách, truyện tranh để mọi người có thể dễ dàng tìm đọc. Đặc biệt, nhà sách luôn cập nhật sách mới, những quyển sách “hot” để phục vụ kịp thời cho bạn đọc. Ngoài ra, nhà sách cũng tổ chức các đợt giảm giá sách để tri ân bạn đọc.
Thay đổi xu hướng
Những năm gần đây, khi người dân bước vào cuộc sống số, xã hội số, thế giới sách và văn hóa đọc cũng dần thay đổi. Nhiều thư viện từ tỉnh đến huyện rơi vào cảnh vắng vẻ, thay vào đó là thư viện điện tử, sách điện tử “lên ngôi”.
Bảo tàng - Thư viện tỉnh hiện có 90.000 tên sách với trên 200.000 bản; tư liệu điện tử trên 2.000 bản. Trung bình mỗi tháng, có khoảng 200 lượt bạn đọc đến mượn và đọc sách trực tiếp, đối tượng chủ yếu thường là cán bộ hưu trí, công chức đến nghiên cứu tài liệu; khoảng 30.000 lượt truy cập đọc sách, tài liệu trên thư viện điện tử. Hiện tại, Bảo tàng - Thư viện tỉnh cũng xây dựng đề án, phát triển thư viện số, trang bị thêm các thiết bị số hóa, máy scan, phần mềm thư viện số;... nhằm đáp ứng nhu cầu, văn hóa đọc của độc giả trong thời đại 4.0.
Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng - Thư viện tỉnh - Văn Hoàng Linh cho biết, độc giả chuyển sang đọc sách trên thư viện điện tử khá đông, bởi sự tiện lợi là có thể đọc bất cứ nơi đâu, lúc nào, tài liệu phong phú, đa dạng. Cuộc sống ngày càng thay đổi nhưng văn hóa đọc vẫn không bị mai một, nó chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác.
Để gìn giữ và phát huy văn hóa đọc, hàng năm, Bảo tàng - Thư viện tỉnh đều tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 như xếp sách nghệ thuật, giới thiệu sách mới, tổ chức cho bạn đọc tham gia trò chơi đọc sách giải ô chữ, trả lời câu hỏi, giao lưu văn nghệ,... Qua đó, góp phần “hâm nóng” văn hóa đọc trong thời đại hiện nay.
Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ (huyện Đức Hòa) - Nguyễn Tuấn Khanh thông tin, trước năm 2020, số lượng người đến Tủ sách pháp luật của xã mượn đọc tương đối nhiều. Tuy nhiên, sau này, người dân chuyển sang đọc báo mạng, sách điện tử ngày càng tăng. Để phù hợp với xu thế trong tương lai, UBND xã sẽ phối hợp các đoàn thể xây dựng tủ sách số để phục vụ nhu cầu người dân.
Hiện Tủ sách pháp luật xã Đức Hòa Hạ có khoảng 300 đầu sách, văn bản pháp luật, tạp chí,... Tủ sách do Văn phòng UBND xã quản lý, theo dõi, cập nhật. Đối tượng thường đọc hoặc mượn sách là cán bộ, công chức, cựu chiến binh, người cao tuổi, dân quân ở địa phương,...
Văn hóa đọc là một nét đẹp văn hóa sẽ “sống” mãi giữa thời hiện đại khi người đọc có ý thức giữ gìn và yêu thích đọc sách. Mọi sự thành công của con người đều nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm của bản thân với những tri thức học được trong cuộc sống, nhà trường và sách vở./
Trà Long