Tiến tới thực hiện thư viện số, thư viện tỉnh Long An áp dụng tra cứu và quản lý sách trên phần mềm. (Trong ảnh: Thủ thư hướng dẫn bạn đọc tra cứu sách trên máy tính)
Không chỉ là sách giấy
Đã nghỉ hưu nhưng ngày nào nhà báo Lê Đại Anh Kiệt (nguyên Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Pháp Luật TP.HCM) cũng đọc sách. Có khi, ông dành đến 6 giờ mỗi ngày để đọc và viết trên máy tính. Ông chuyển từ việc đọc sách giấy sang đọc sách trên máy tính từ cách đây khoảng 20 năm. Sách điện tử mà ông đọc là phiên bản sách điện tử của sách giấy. Đọc sách điện tử đối với ông khá thuận tiện vì có thể đọc, tra cứu thông tin bất cứ đâu mà không cần mang theo sách giấy. “Cha ông ta để lại rất nhiều sách quý về văn hóa, lịch sử và nhiều đề tài khác nhưng theo năm tháng, các tư liệu quý ấy ở dạng sách giấy rất hạn chế và khó tiếp cận. Vì thế, tôi thường tìm kiếm và đọc các tác phẩm đó dưới dạng sách điện tử, hầu hết được lưu trữ tại các thư viện lớn” - nhà báo Lê Đại Anh Kiệt nói.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, việc đọc sách cũng dần thay đổi, bạn đọc có nhiều cách tiếp cận với sách hơn. Mỗi ngày, do phải dành thời gian cho công việc và chăm sóc gia đình, chị Nguyễn Ngọc Quyên (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) không có thời gian đọc sách nên chị chọn cách nghe sách nói. Chị Quyên chia sẻ: “Tôi thường mở các chương trình đọc sách để nghe trong lúc làm việc nhà hoặc chơi với con. Việc cho con nghe sách nói cũng là điều tốt. Tôi tìm được khá nhiều kênh đọc sách uy tín trên Internet với đầy đủ các thể loại sách, đặc biệt, các tác phẩm kinh điển rất dễ tìm được sách nói”. Giờ đây, việc đọc sách dần thay đổi, người đọc sách không chỉ đọc sách giấy mà còn nhiều lựa chọn khác. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và các thiết bị di động, người đọc dễ dàng tiếp cận kho sách khổng lồ từ Internet chỉ với một vài thao tác đơn giản.
Thói quen và kỹ năng đọc, chọn lọc sách cần được hình thành từ nhỏ bởi gia đình, nhà trường và bắt đầu từ việc đọc sách giấy (Trong ảnh: Mô hình xếp sách tại Thư viện Nguyễn Hữu Thọ)
Nắm bắt được xu thế phát triển chung, hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều đổi mới hướng tới thực hiện thư viện số, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Hiện tại, trang web Thư viện tỉnh tại địa chỉ https://www.thuvien.longan.gov.vn cung cấp gần 1.500 đầu sách điện tử miễn phí. Trong đó, có 200 đầu sách được scan từ kho sách của Bảo tàng - Thư viện tỉnh, số còn lại là sách điện tử do đơn vị liên kết mua lại từ các nhà sách, thư viện khác. Trang web cung cấp tính năng tìm kiếm để bạn đọc tìm đúng quyển sách mình muốn đọc. Bên cạnh đó, danh mục của thư viện có 2 chuyên mục riêng dành cho sách điện tử là Sách điện tử và Xem trực tuyến. Trong mỗi chuyên mục, sách được chia thành nhiều thể loại khác nhau giúp bạn đọc dễ tìm kiếm.
Bảo tàng - Thư viện tỉnh giới thiệu trang web Thư viện tỉnh cho học sinh
Nhằm quảng bá, giới thiệu trang web Thư viện tỉnh, trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, Bảo tàng - Thư viện tỉnh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo đưa học sinh đến tham quan thư viện tỉnh; đồng thời, giới thiệu với học sinh về trang web Thư viện tỉnh. Em Nguyễn Hoàn Khánh Duy (lớp 11, Trường THPT Hùng Vương) cho biết: “Em rất thích đọc sách. Trước đây, em hay đọc sách giấy. Em không đọc Ebook vì chưa thể tự mình chọn lọc đúng sách chất lượng giữa kho sách quá lớn. Giờ biết về trang web Thư viện tỉnh, em sẽ vào đây thường xuyên để tìm và đọc sách. Đọc sách trên máy tính hoặc điện thoại thì em không cần phải mang sách bên mình”.
Bắt đầu từ sách giấy
Tiến tới thực hiện thư viện số, thư viện tỉnh áp dụng tra cứu và quản lý sách trên phần mềm. (Trong ảnh: Thủ thư cập nhật thông tin sách trên máy tính khi có bạn đọc mượn sách)
Khi thị trường sách ngày càng phát triển, bạn đọc cần có “bản lĩnh” trong việc chọn lựa sách. Đọc sách trên Internet, người đọc dễ rơi vào “ma trận” sách điện tử, bao gồm sách chưa qua kiểm duyệt hoặc bị xao nhãng bởi hàng loạt thông tin khác. Bên cạnh đó, các kênh giải trí cũng có sức hút rất mạnh nên khi đọc sách điện tử, độc giả phải thực sự “tỉnh táo”. Đặc biệt, “bản lĩnh” khi đọc sách cần được hình thành từ nhỏ bởi gia đình, nhà trường và bắt đầu từ việc đọc sách giấy. Khi đã hình thành được thói quen đọc sách, kỹ năng chọn lọc thông tin, chọn lọc sách để đọc thì người đọc mới có thể xem việc đọc sách điện tử như một công cụ giúp mình tiếp cận tri thức một cách dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Có mặt ở khu vực trưng bày sách tại Trường THCS Nhựt Tảo (TP.Tân An), em Nguyễn Bảo Trân - học sinh lớp 6/1, chăm chú chọn sách. Để chọn được quyển sách ưng ý, em xem tựa sách, trang bìa và mục lục, hình ảnh minh họa trong sách và đọc một chút nội dung sách. Trân chia sẻ, em có thói quen đọc sách từ nhỏ và được mẹ khuyến khích rất nhiều. “Mẹ em rất quan tâm đến việc đọc sách của em. Mẹ thường mua sách theo yêu cầu của em và mẹ cũng chủ động chọn sách hay tặng em. Em rất vui mỗi khi được nhận sách mẹ tặng” - Trân nói.
Học sinh tham gia Ngày hội đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường tại Trường Tiểu học Hướng Thọ Phú
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Thọ Phú (TP.Tân An) - Nguyễn Thị Đông Thùy nhận định, hình thành thói quen đọc sách rất có ích cho việc học tập của các em. Với học sinh tiểu học, đọc sách giúp các em viết đúng chính tả, sử dụng câu từ hay và trau chuốt hơn. Đặc biệt, khi thói quen đọc sách được rèn luyện và gìn giữ giúp các em tìm được nhiều thông tin bổ ích bên ngoài sách giáo khoa.
Rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa đọc trong học sinh, Trường Tiểu học Hướng Thọ Phú chú trọng việc phối hợp phụ huynh giáo dục lòng yêu sách trong học sinh. Cô Thùy chia sẻ: “Để tạo thói quen đọc sách cho học sinh, nhà trường thông qua một số hoạt động cụ thể và giáo viên chủ nhiệm các lớp để tuyên truyền về lợi ích việc đọc sách cho phụ huynh; đồng thời, tạo điều kiện để phụ huynh mượn sách từ thư viện về cho học sinh đọc. Ngày hội đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường được tổ chức hàng năm, ngoài đối tượng chính là học sinh, nhà trường còn mời phụ huynh cùng tham gia với các em qua hoạt động đọc sách cùng con, góc sáng tạo,... Việc phụ huynh nhiệt tình tham gia ngày hội đã khẳng định, gia đình các em cũng rất quan tâm đến việc giáo dục thói quen đọc sách cho con em mình”.
Trong thời đại công nghệ số, mọi hoạt động đều có thể thực hiện một cách dễ dàng và đơn giản bằng 1 cái “nhấp chuột”, cả việc đọc sách cũng vậy. Tuy nhiên, để khai thác được kho tàng sách vô tận (đặc biệt là từ Internet) thì mỗi người đọc cần trang bị cho mình bản lĩnh để chọn lọc sách và thông tin phù hợp hữu ích./.
Quế Lâm