Tiếng Việt | English

02/10/2022 - 04:00

'Giữ hồn' đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử (ĐCTT) có một sức sống bền bỉ trong người dân. Tất cả huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có câu lạc bộ (CLB) ĐCTT sinh hoạt. Người học ĐCTT cũng đầu tư bài bản hơn so với trước đây. Để có được sức sống mãnh liệt đó, nghệ thuật ĐCTT phải thay đổi, thích nghi với từng giai đoạn lịch sử nhất định, đáp ứng nhu cầu về văn nghệ, giãi bày tâm tư, tình cảm của người chơi.

Hát để thỏa đam mê

Chẳng biết tự bao giờ, các thành viên CLB ĐCTT TP.Tân An đã chọn bộ môn này là “cái nghiệp” mà mình gắn bó. Trải qua mấy mươi năm, tiếng đàn và lời ca cùng nhịp phách song lang dường như thấm vào từng nhịp thở, từng dòng suy nghĩ để đến ngày hôm nay, khát vọng lan tỏa loại hình nghệ thuật dân tộc này vẫn còn vẹn nguyên ở trong họ.

Một buổi tối cuối tuần tại quán cà phê Cây Xanh ở phường 3, TP.Tân An như vui hơn vì tiếng đờn, ca dìu dặt. Đó là nơi tập hợp, sinh hoạt của CLB ĐCTT TP.Tân An. Mỗi tuần vào tối thứ năm và chủ nhật, các thành viên CLB lại phục vụ khán giả. Họ hầu hết là những người yêu ĐCTT tập hợp lại với nhau, dạo mấy điệu đờn, ca đôi bài hát để thỏa đam mê.

Chị Võ Tuyết Hồng cùng các thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Tân An tham gia chương trình giao lưu văn nghệ

Sinh ra ở mảnh đất được xem là một trong những cái nôi của ĐCTT, ngay từ những ngày còn nhỏ, ông Nguyễn Hữu Tài đã có niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Ông Tài chia sẻ, trong gia đình chẳng có ai theo đuổi nghệ thuật ĐCTT, người ta nói nghề này "rày đây mai đó", lăn lộn đủ nơi và không ổn định. Tuy nhiên, ông đã bén duyên với tiếng đờn để rồi yêu thích, đam mê từ đó. Ông bắt đầu theo học từ những người thầy gần nhà. Sau này vì cuộc sống, ông bắt đầu một công việc khác nhưng niềm yêu thích ĐCTT vẫn không phai nhạt. Rồi tình cờ ông tham gia CLB ĐCTT TP.Tân An, tính đến nay đã nhiều năm. Nơi đây giúp ông thỏa niềm đam mê. Trong câu chuyện kể, ông hay nhắc nhiều về “thầy Nhẫn” (Trần Đức Nhẫn) - người được xem là “linh hồn” của CLB.

“Anh Nhẫn đam mê và tận tâm với ĐCTT. Hễ ai tìm đến học là anh hướng dẫn từng lời ca, tiếng hát, từng cách lấy hơi, điệu luyến láy trong bài mặc dù anh... không hát. Mỗi khi có học trò, anh ấy hướng dẫn đờn một cách hăng say, còn tôi thì phụ làm MC và tham gia hát. CLB không chỉ là nơi gắn kết những tâm hồn đồng điệu, đem lời ca tiếng hát bay xa, thỏa lòng đam mê mà chúng tôi còn vui hơn khi đào tạo được những thế hệ học trò có thành tích cao trong các cuộc thi cũng như giao lưu cấp tỉnh, khu vực” - ông Tài bộc bạch.

Còn chị Võ Tuyết Hồng - một thành viên khác tâm sự, yêu thích ĐCTT giúp chị vơi đi những mệt nhọc, buồn phiền trong cuộc sống. Sau khi các con khôn lớn, chị dành thời gian để theo đuổi sở thích của mình. “Tôi đến với CLB chỉ mới vài năm trở lại đây và được thầy Nhẫn chỉ dạy tận tình. Mỗi khi có đợt, tôi cùng một vài thành viên khác được chọn để tham dự những hội diễn, giao lưu ở trong và ngoài tỉnh” - chị Tuyết Hồng nói.

Cùng nhau “giữ lửa” đờn ca tài tử

Sinh hoạt ĐCTT gắn liền với cuộc sống của phần đông người dân nông thôn. Họ hát ca giao lưu sau những giờ lao động mệt nhọc. Phần lớn các CLB đều tổ chức sinh hoạt theo định kỳ mang tính giao lưu, trao đổi giữa những người có cùng đam mê.

Thời gian qua, CLB ĐCTT ấp Nam, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người yêu thích ĐCTT trên địa bàn xã, mà còn là nơi “giữ lửa” để phát triển phong trào ca hát tại địa phương.

Ngoài thỏa niềm đam mê, các câu lạc bộ đờn ca tài tử còn góp phần gìn giữ bộ môn nghệ thuật đặc sắc (Trong ảnh: Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc biểu diễn phục vụ)

Đối với mỗi thành viên, sau những giờ lao động mệt mỏi được hát, được đờn, gặp gỡ anh, chị em trong CLB là như xua tan hết mệt mỏi, đó cũng là cách giải trí lành mạnh; đồng thời, mong muốn giữ gìn và tiếp tục phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT, ca cổ cải lương. Ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ, CLB còn phục vụ văn nghệ vào các dịp lễ, ngày hội lớn của địa phương,... nên đã tạo sân chơi lành mạnh cũng như động lực để các thành viên CLB tiếp tục trau dồi, phát huy khả năng, góp phần duy trì và nhân rộng bộ môn này trên địa bàn xã.

Đi vào hoạt động tầm 20 năm, CLB ĐCTT ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc dường như không còn xa lạ với người dân nơi đây. Thỉnh thoảng, vào những dịp lễ hay cuối tuần, điệu đờn mùi mẫn của các thành viên CLB làm say đắm lòng người, không thua kém những nghệ sĩ thực thụ trên sân khấu.

Lập nên một CLB ĐCTT là chuyện dễ đối với các địa phương nhưng gìn giữ và phát triển CLB thì rất khó khăn. Phó Chủ nhiệm CLB ĐCTT ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông - Lê Văn Mến trăn trở: “Khó khăn mà CLB gặp phải là các thành viên mỗi người một công việc khác nhau, có người vì cuộc sống mưu sinh nên dù rất cố gắng, họ vẫn không thể tiếp tục đồng hành cùng CLB. Kinh phí sinh hoạt còn rất hạn chế, chúng tôi chủ yếu là giao lưu, hát với nhau vào những dịp có đám tiệc, góp vui phục vụ những người đam mê ĐCTT với mong muốn làm sao để bộ môn nghệ thuật này không bị mai một”. Ngoài tổ chức sinh hoạt, đa phần các CLB còn nhận đào tạo những ai yêu thích nghệ thuật ĐCTT, cải lương. Mong muốn của CLB là tiếp tục phát triển và có thêm nhiều thế hệ “măng non” nối tiếp lớp đàn anh.

Đối với mỗi thành viên, sau những giờ lao động mệt mỏi được hát, được đờn, gặp gỡ anh, chị em trong CLB là như xua tan hết mệt mỏi, đó cũng là cách giải trí lành mạnh; đồng thời, mong muốn giữ gìn và tiếp tục phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT, ca cổ cải lương.

Là người gắn bó với bộ môn nghệ thuật này đã nhiều năm ở vùng bãi ngang, đi qua bao thời gian, ông Mến cho rằng, cái hay của ĐCTT là giữa đờn và ca, phải tri âm hòa điệu để người nghe cảm nhận được chất mùi mẫn, du dương toát lên từ cung bậc thăng trầm hết sức đặc trưng mà ít loại hình nghệ thuật nào có được. Nắm vững từng ngón đờn từ thuở nhỏ, với ông Mến, ĐCTT đã trở thành một “món ăn” tinh thần trong đời sống và tựa như hơi thở của mình. Vì vậy, ông hy vọng rằng, trong nhịp sống hiện đại với các loại hình văn hóa - nghệ thuật thời đại mới, ĐCTT đang đứng trước nhiều thách thức. Vì vậy, việc duy trì nếp sinh hoạt cũng như phát triển các CLB ĐCTT ở các địa phương, tạo điều kiện giao lưu, học hỏi, biểu diễn,... Bên cạnh đó, sự đầu tư bài bản cũng là một cách để bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT.

Hiện nay, dù chịu sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí khác nhưng ĐCTT vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng người dân. Qua bao đời, ĐCTT vẫn âm thầm lan tỏa. Hy vọng những người “giữ lửa” ĐCTT tiếp tục duy trì và phát triển phong trào, góp phần tích cực gìn giữ giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.

Như Nguyệt

Chia sẻ bài viết