Tiếng Việt | English

13/05/2025 - 16:00

Giúp học sinh nhận thức đúng về giới tính

Ở lứa tuổi vị thành niên, học sinh (HS) đối mặt với nhiều biến đổi cả về thể chất lẫn tâm lý. Khi bước vào tuổi dậy thì, các em bắt đầu tò mò về giới tính nhưng không phải em nào cũng được trang bị đủ kiến thức để hiểu đúng và bảo vệ bản thân. Chính vì vậy, giáo dục giới tính trong trường học không chỉ cần thiết mà còn là một nhiệm vụ cấp thiết.

57_66963361_img-8473.JPG

Cô Võ Thị Hồng Thắm (Trường THCS Nguyễn Trung Trực) ngoài là giáo viên bộ môn

Tại Trường THCS Nguyễn Trung Trực (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), việc giáo dục giới tính cho HS được chú trọng với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực và có chiều sâu. Theo Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trung Trực - Đặng Thị Thúy Hoa, ở độ tuổi THCS, các em có nhiều thay đổi về tâm, sinh lý. Việc định hướng nhận thức về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn và kỹ năng tự bảo vệ bản thân là việc làm cần được duy trì thường xuyên.

Cô Hoa cho biết: “Chúng tôi không xem giáo dục giới tính là chuyện tế nhị mà là vấn đề thực tế cần được truyền đạt một cách khoa học và phù hợp với lứa tuổi. Hiện nay, nhà trường có Câu lạc bộ Tư vấn giúp đỡ HS, thành viên là Ban Giám hiệu, giáo viên (GV) Tổng phụ trách Đội và GV chủ nhiệm. Các thầy cô sẵn sàng lắng nghe những thắc mắc, băn khoăn của HS về những điều khó nói”.

Trường THCS Nguyễn Trung Trực còn thường xuyên mời các chuyên gia tâm lý uy tín như Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A, thầy Nguyễn Thành Nhân,... chia sẻ về các kiến thức giáo dục giới tính, các kỹ năng sống khác cho HS. Điều đặc biệt là ngoài HS, phụ huynh và GV cũng được tham dự các buổi tư vấn, tạo nên sự phối hợp 3 bên vững chắc trong công tác giáo dục giới tính.

Nguyễn Thiên Kim - HS lớp 9A8, Trường THCS Nguyễn Trung Trực, chia sẻ: “Nhiều câu hỏi em ngại hỏi cha mẹ nhưng khi đến trường, nhờ sự cởi mở của thầy cô, em được giải đáp một cách rõ ràng, đúng đắn. Những tiết học hay chương trình ngoại khóa về giới tính thật sự bổ ích”.

Không để kiến thức giới tính trở thành điều gì đó tách biệt, GV tại trường đã tích hợp nội dung này vào nhiều môn học như Sinh học, Giáo dục công dân, Ngữ văn,... và cả trong các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần.

Cô Võ Thị Hồng Thắm - GV bộ môn Sinh học, Trường THCS Nguyễn Trung Trực, cho biết: “Tôi luôn lồng ghép những nội dung về dậy thì, vệ sinh cơ thể, hiện tượng sinh lý, quan hệ tình dục an toàn và hậu quả của mang thai sớm một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu trong từng tiết học. Là GV chủ nhiệm, tôi cũng sẵn sàng dành thời gian ngoài giờ để lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ các em khi cần”.

Một trong những mô hình hiệu quả được nhà trường triển khai là Điều em muốn nói. Thay vì yêu cầu HS phải đối diện trực tiếp, các em có thể viết ra những điều thầm kín, những thắc mắc tế nhị lên giấy và bỏ vào thùng thư riêng. Mỗi tuần, GV sẽ chọn lọc, trả lời và tư vấn chung trong tiết sinh hoạt đầu tuần. Điều này không chỉ giúp HS giải tỏa tâm lý mà còn mở ra một kênh giao tiếp an toàn, văn minh giữa thầy cô và học trò.

Nguyễn Ngọc Gia Hân - HS lớp 9A7, Trường THCS Nguyễn Trung Trực, chia sẻ: “Nhờ những kiến thức được thầy cô chia sẻ về giới tính, sức khỏe sinh sản và các mối quan hệ tình cảm, em đã hiểu rõ hơn về cách xây dựng tình bạn lành mạnh, biết trân trọng và bảo vệ cơ thể mình cũng như nhận thức được cách phòng tránh các hành vi xâm hại”.

Theo cô Đặng Thị Thúy Hoa, việc giáo dục giới tính cho HS từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường không phải là “vẽ đường cho hươu chạy” theo nghĩa tiêu cực mà “vẽ cho các em chạy đúng”, an toàn và văn minh. Khi được trang bị đầy đủ nhận thức và kỹ năng, các em sẽ biết cách chăm sóc chính mình và tôn trọng người khác.

Thực tế cho thấy, khi trường học và gia đình đồng hành trong việc giáo dục giới tính, HS không chỉ có thêm kiến thức mà còn tự tin hơn trong việc bảo vệ bản thân trước những cám dỗ hay rủi ro trong cuộc sống hiện đại./.

Trường Châu

Chia sẻ bài viết