Muốn thoát nghèo, có tiền nuôi con ăn học, ông bàn với vợ phá lúa để trồng chanh. “Khi đó, tôi thấy người ta trồng chanh có lời nên bắt chước chứ không biết kỹ thuật, cứ nghĩ trồng theo kinh nghiệm là được” - ông Tèo nói.
Do chủ quan nên chỉ một thời gian sau, đám chanh chết gần hết, lúc này nợ lại chồng thêm nợ. Cùng kế, ông bèn phá chanh, cho người khác thuê đất trồng mai. Họ thuê 5 năm nhưng chỉ sau 3 năm là trả đất. Khi đó, ông cũng không biết phải làm gì với số đất ấy, bởi tiền ăn còn không có, lấy đâu ra tiền mua cây giống.
Ông Tèo tâm sự: “Nhiều đêm tôi suy nghĩ rồi buồn, làm quần quật quanh năm mà vẫn nghèo. Người ta không có đất, còn tôi có gần 1ha mà cầm sổ hộ nghèo thì ngại quá”. Nghĩ vậy, ông quyết tâm thay đổi.
Ông Lương Quang Tèo (ấp 1, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chanh để áp dụng vào sản xuất
Vừa sát sao với nông dân, vừa là người cùng địa phương nên Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Nam - Đào Văn Hên nắm rõ hoàn cảnh gia đình ông Tèo. Ông Hên cùng Trưởng ấp 1 - Phan Tấn An và Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 1 - Lê Văn Triết đến nhà ông Tèo thảo luận. Họ rút ra kết luận, một trong những nguyên nhân thất bại của ông Tèo là do ít được tiếp cận thông tin, chuyển đổi từ trồng lúa sang chanh một cách không có kế hoạch khiến cây chết, đứt vốn.
Nhận thấy cái sai của mình, ông Tèo tích cực tham gia các buổi sinh hoạt chi, tổ hội nông dân để cập nhật thông tin, kiến thức, những mô hình mới, hiệu quả,... Khi Hội tổ chức tham quan mô hình trồng chanh ở xã Tân Hòa (huyện Bến Lức) cũng mời ông Tèo đi cùng. Ngoài ra, các thông tin tuyên truyền của xã đều được phổ biến đến ông cũng như các hộ khác. Nhờ học hỏi, biết nhiều thông tin, ông cảm thấy tự tin hơn.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã Bình Hòa Nam hỗ trợ ông 1 con bò và hướng dẫn kỹ thuật nuôi. UBMTTQ Việt Nam xã hỗ trợ 10 triệu đồng để ông có vốn trồng chanh. Khi có nhà hảo tâm tặng quà cho hộ nghèo, gia đình ông Tèo cũng có phần.
Ông Lương Quang Tèo (ấp 1, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 con bò
Trước sự quan tâm của chính quyền địa phương, ông Tèo không ngừng nỗ lực thoát nghèo. Mỗi ngày, ngoài thời gian trồng chanh, chăm sóc bò, vợ chồng ông còn làm cỏ, hái chanh thuê và xúc cá lia thia bán cho cơ sở làm mắm. Nghề xúc cá lia thia thu nhập không đều nhưng lúc trúng mùa, mỗi ngày, ông cũng kiếm được hơn 200.000 đồng.
Ông đang ấp ủ mô hình nuôi cá lia thia nhưng chưa có vốn. Hiện tại, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng ông Tèo tự tin vì có cơ sở để thoát nghèo bền vững.
Theo ông Đào Văn Hên, ông Tèo chịu khó, cần cù, luôn nỗ lực vươn lên. Hội Nông dân xã không ngừng tuyên truyền, thông tin đến ông cũng như nông dân trên địa bàn. Nhờ vậy, nông dân biết được những mô hình hay, hiệu quả; kỹ thuật nuôi, trồng; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất;... Sự hiểu biết giúp họ tự tin và có động lực vươn lên.
Song song đó, Hội còn tích cực tham mưu UBND xã để khi có nguồn vốn thì hỗ trợ ngay cho người dân; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững./.
|
Không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước; siêng năng, chăm chỉ làm việc; quyết tâm vươn lên thoát nghèo;... là chia sẻ từ những chủ nhân của các lá đơn xin thoát nghèo.
|
Huỳnh Thông