Tiếng Việt | English

24/06/2017 - 11:45

Giúp trẻ em khuyết tật tự vươn lên

Trong bất kỳ xã hội nào, trẻ em luôn là đối tượng cần được bảo vệ, chở che. Đặc biệt, trẻ em khuyết tật càng cần nhận được sự quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nữa, bởi vì các em kém may mắn hơn bạn bè đồng trang lứa, phải chịu một phần khiếm khuyết về thể chất hoặc trí tuệ,...

“Mái nhà chung” của trẻ em khuyết tật

Tại Long An, “mái nhà chung” của trẻ khuyết tật, nơi chăm sóc, giáo dục giúp các em có được những kỹ năng cơ bản để tự lập chính là Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Long An (xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An). Tổng số học sinh hiện có của trường là 208 em, trong đó có 148 học sinh chuyên biệt (các trẻ khuyết tật nghe-nói, khuyết tật trí tuệ từ 6-16 tuổi) và 60 em thuộc đối tượng can thiệp sớm (dưới 6 tuổi).

Dạy trẻ khuyết tật, mỗi em có mức độ tiếp thu khác nhau, do đó, giáo viên phải lặp đi lặp lại, nói thật chậm, hướng dẫn thật kỹ và phải thật kiên trì, chịu khó

Việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ bình thường đã khó, với trẻ không hoàn thiện về thể chất, trí tuệ lại càng khó hơn. Hiện tại, nhà trường vẫn thiếu 7 giáo viên được đào tạo chính quy chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Đây là ngành đòi hỏi giáo viên phải thực sự yêu trẻ, có đầy đủ năng lực và sự nhiệt tình, tâm huyết mới trụ được với nghề.

Cô Bùi Thị Kim Huệ - giáo viên Lớp 1A Nghe - Nói, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Long An, cho biết: “Tôi có hơn 10 năm gắn bó với ngôi trường đặc biệt này. 10 năm chưa phải là dài nhưng lại giúp tôi càng yêu thêm công việc mình đang làm. Dạy trẻ khuyết tật, mỗi em có mức độ tiếp thu khác nhau, do đó, giáo viên phải lặp đi lặp lại, nói thật chậm, hướng dẫn thật kỹ và phải thật kiên trì, chịu khó. Mỗi ngày, được dạy dỗ, chứng kiến sự đổi thay, tiến bộ của các em từ lúc chưa biết gì, hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình đến khi có thể tự lập trong sinh hoạt, nghe, hiểu được những gì mình truyền đạt, chúng tôi hạnh phúc cũng không khác gì phụ huynh các cháu”.

Theo Phó Hiệu trưởng trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Long An - Trần Thanh Phong, ngoài việc học, nhà trường luôn tạo điều kiện để các cháu được tự lập, phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất với các hoạt động ngoại khóa, chơi thể thao nhằm tăng cường sức khỏe. Bên cạnh đó, vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 01-6,... ngoài sự quan tâm của các cấp, các ngành, một số tổ chức, cá nhân thiện nguyện chủ động liên hệ nhà trường để tặng quà và học bổng với kinh phí mỗi năm trung bình khoảng 300-400 triệu đồng.

Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên đối tượng trẻ em khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo được nhận học bổng từ nguồn ngân sách của UBND tỉnh. Trong đó, mỗi em sẽ nhận được 10 triệu đồng/năm học, chia làm 2 đợt. Tổng số học sinh được nhận học bổng năm học này là 16 em. Điều này thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước với những trẻ em kém may mắn, giúp gia đình và bản thân các em có động lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa.

Năm học 2016-2017 chuẩn bị kết thúc, cuối tháng 5, nhà trường cũng chọn 20 học sinh tham dự ngày hội của trẻ em khuyết tật với chủ đề “Nối vòng tay lớn”, kết hợp giao lưu cùng các bạn học sinh đến từ các trường nuôi dạy trẻ khuyết tật trong cả nước và một số học sinh ngoại quốc tại đảo Hòn Tằm, Nha Trang. Đây cũng là dịp để các em được vui chơi, giải trí sau một năm học với nhiều cố gắng.

Nỗ lực chăm sóc trẻ khuyết tật

Hiện nay, toàn tỉnh có 371.138 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 2.108 trẻ em khuyết tật, tàn tật. Những năm qua, Long An có nhiều chính sách, biện pháp can thiệp, trợ giúp trẻ khuyết tật, nhằm tạo điều kiện cho các em tiếp cận với các loại hình dịch vụ xã hội, phù hợp với từng đối tượng, tự cải thiện chất lượng cuộc sống. Cụ thể, năm 2016, ngoài chế độ của Nhà nước, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) còn phối hợp Hội Thiện nguyện TP.HCM, Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Tim Tâm Đức,... khám lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1.682 trẻ em khuyết tật, tiết niệu, đa khoa nhi và bệnh tim mạch. Ngoài ra, ngành cũng tổ chức trao máy trợ thính cho 16 trẻ từ sự hỗ trợ của Quỹ Tài trợ Vina Capital, với số tiền 60 triệu đồng; phối hợp Hội Thiện nguyện TP.HCM khám đa khoa nhi và khuyết tật; vận động cho 500 trẻ em huyện Mộc Hóa, trong đó có 116 em được nong đường tiết niệu; hỗ trợ phẫu thuật tim cho 4 trẻ bị tim bẩm sinh thuộc diện hộ nghèo với tổng số tiền 145 triệu đồng;...

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em ở Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Kim Lành thông tin: “Thị trấn Cần Đước có 13 trẻ bị khuyết tật, trong đó, 2 trẻ là con của gia đình thuộc diện hộ nghèo. Vì vậy, chúng tôi luôn dành sự ưu ái cho đối tượng này khi có mạnh thường quân, nhà hảo tâm đến giúp đỡ. Với những trẻ khuyết tật còn lại, chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên, hướng dẫn gia đình dạy trẻ kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giúp trẻ không mặc cảm,...”.

Đến thăm gia đình em Võ Văn Đạt (ngụ khu phố 3, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước). Em Đạt mang hình hài của đứa trẻ 14 tuổi nhưng tâm hồn như đứa trẻ lên 5. Mẹ Đạt tâm sự: “Khi mới sinh ra, Đạt bị teo cơ bẩm sinh, gia đình chạy chữa nhiều nơi nhưng không hết, khi lớn lên, trí tuệ Đạt cũng không phát triển. Gia đình thường xuyên được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ. Mới đây, Đạt còn nhận được chiếc xe lăn do Hội Chữ thập đỏ huyện Cần Đước tặng”.

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng là việc làm đầy ý nghĩa nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh - Phạm Văn Bốn chia sẻ: “Trẻ em khuyết tật là đối tượng được ngành LĐ-TB&XH dành sự quan tâm đặc biệt. Thời gian qua, ngành thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về quyền trẻ em, đồng thời, tích cực vận động các cấp, các ngành chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là đối tượng trẻ khuyết tật”.

Chính sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội mà nhiều trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội cải thiện cuộc sống. Đây chính là động lực giúp trẻ em khuyết tật cùng gia đình vơi đi mặc cảm, vượt qua khó khăn để trở thành những công dân có ích, tự vươn lên làm chủ cuộc sống của mình./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích