Tiếng Việt | English

18/01/2021 - 10:00

Gò Ông Lẹt - Trận đánh quyết định góp phần phá vỡ Chiến tranh cục bộ

56 năm trôi qua, cảnh quan tại Khu di tích (KDT) Gò Ông Lẹt đã đổi thay nhiều. Đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Vùng đất sình lầy, hoang hóa, ngập nước năm xưa được thay bằng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân nhưng bài học về lòng yêu nước thì vẫn còn nguyên giá trị.

Một đoàn cán bộ hưu trí đến viếng di tích Gò Ông Lẹt

Một đoàn cán bộ hưu trí đến viếng di tích Gò Ông Lẹt

Gò Ông Lẹt hôm nay

Cứ mỗi dịp cuối tuần, nhà văn hóa ấp Ông Lẹt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An lại có nhiều người dân tìm đến để được khám và nhận thuốc Nam miễn phí. Nhà văn hóa ấp nằm trong khuôn viên KDT Gò Ông Lẹt, nên thỉnh thoảng có người dừng lại, đến bên bia tưởng niệm thắp một nén nhang trước khi về. Nhờ vậy, KDT lúc nào cũng có khói hương. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “KDT Gò Ông Lẹt là di tích lịch sử, hàng năm vào ngày 17/11, chính quyền và người dân đến thắp nhang và làm lễ tưởng nhớ. Do có nhà văn hóa nằm trong khuôn viên KDT nên bia tưởng niệm thường xuyên được các anh, các chú bên ban ấp, đoàn thể quét dọn và thắp nhang. Hiện tại, KDT được nâng cấp, xây dựng hàng rào, nhà chờ bằng nguồn kinh phí của huyện”.

Khi chúng tôi đến, KDT Gò Ông Lẹt còn ngổn ngang vật tư xây dựng. Đường vào KDT được tráng nhựa, xe ôtô đến tận nơi. Vùng đất trước đây hoang vu, chỉ có rừng tràm, năn, lác,... giờ đã xanh màu xanh sự sống. Nhà dân được xây dựng dọc tuyến đường chính, hầu hết là nhà kiên cố. Các tuyến đường chính đều rộng, tráng nhựa hoặc bêtông. Ruộng lúa trong đê bao lửng mang lại sự ấm no, đầy đủ cho cuộc sống người dân. Trưởng ấp Ông Lẹt - Nguyễn Văn Y cho biết: “Ấp này hồi xưa đường sá khó khăn lắm, bây giờ thì khác rồi. Dân cũng làm ruộng nhưng có máy móc làm thay, xịt thuốc còn có thể xịt bằng máy bay. Trẻ em đều được đi học. Nhà nào cũng có xe máy, tivi. Đời sống người dân được nâng lên rõ rệt”. Xã Vĩnh Thuận cũng đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đó là minh chứng cụ thể cho sự đổi thay, phát triển của vùng kháng chiến, lời khẳng định mạnh mẽ cho ý nghĩa to lớn về những hy sinh của cha ông.

Bài học về lòng yêu nước

Gò Ông Lẹt là nơi ghi dấu trận tập kích của quân và dân Kiến Tường, tiêu diệt một đại đội biệt kích đang đóng tại đây. Đó là một chiến công, một điểm son chiến thắng cho quân và dân Đồng Tháp Mười trong thời kỳ 21 năm đánh Mỹ - diệt ngụy. Hồ sơ di tích Gò Ông Lẹt có ghi: “Vào khoảng tháng 01/1965, Mỹ - ngụy đưa một đại đội biệt kích có 4 cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy từ căn cứ Măng Đa đến đóng tại Gò Ông Lẹt nhằm đánh phá và ngăn chặn tuyến hành lang huyết mạch quan trọng của ta từ biên giới xuống vùng 4 và các chiến trường trọng điểm Khu 8, Khu 9 ở Đồng Tháp Mười”. Và trong đêm 16, rạng sáng 17/11, quân và dân Kiến Tường đã tiêu diệt gọn cả đại đội biệt kích trên. Đó là lực lượng được huấn luyện gần 1 năm tại căn cứ biệt kích Măng Đa. Khu căn cứ Gò Ông Lẹt được phòng thủ bởi hàng rào kẽm gai và bãi mìn bên ngoài, hầm công sự bán kiên cố bên trong.

Năm 1965 là giai đoạn Mỹ chuyển từ Chiến tranh đặc biệt sang Chiến tranh cục bộ tại Việt Nam. Ở miền Nam, chúng ráo riết thực hiện “tìm diệt” nhằm tiêu diệt bộ máy chỉ đạo của ta. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, chương trình bình định, giành dân, vơ vét nhân lực, vật lực được ngụy quân tiến hành ráo riết. Địch tiến hành nhiều biện pháp quân sự gây khó khăn cho lực lượng ta lúc bấy giờ.

Di tích Gò Ông Lẹt hiện được xây dựng kiên cố

Di tích Gò Ông Lẹt hiện được xây dựng kiên cố

Trận Gò Ông Lẹt được xem là trận có ý nghĩa quyết định, bẻ gãy chiến thuật đột kích, phục kích của địch, khôi phục lại tuyến hành lang và địa bàn hoạt động của lực lượng tại chỗ. Để chuẩn bị cho trận đánh, ta tiến hành trinh sát, điều nghiên nhiều lần. Đơn vị trực tiếp chiến đấu gồm Đại đội Cơ động tỉnh Kiến Tường kết hợp Đại đội 408 địa phương, du kích xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi, Tuyên Bình. 0 giờ 30 phút đêm 17/11/1965, ta nổ súng tấn công căn cứ Gò Ông Lẹt. Đến 2 giờ ngày 17/11, trận đánh kết thúc. Địch chết và bị thương 80 tên, bị bắt sống 10 tên, đại đội biệt kích bị ta tiêu diệt gọn hoàn toàn. Chiến thắng trận Gò Ông Lẹt đã được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất.

Ngày nay, KDT Gò Ông Lẹt được xây dựng lại kiên cố. Vùng đất hoang vu xưa nay đã no ấm, thanh bình. Người dân ấp Ông Lẹt nói riêng và Vĩnh Thuận nói chung vẫn nhắc nhở, truyền tai nhau câu chuyện về một chiến thắng hào hùng ngay tại quê nhà./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết