Trẻ tự kỷ có một “thế giới” riêng với những tâm hồn nhạy cảm và khác biệt. Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một tình trạng phát triển thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi. Tự kỷ khó có thể chữa khỏi hoàn toàn mà là rối loạn kéo dài với các biểu hiện đa dạng từ nhẹ đến nặng. Trẻ mắc tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc hiểu và sử dụng ngôn ngữ, cả lời nói và ngôn ngữ cơ thể. Trẻ rất khó thiết lập, duy trì các mối quan hệ xã hội và có thể không hiểu được các tín hiệu xã hội.
Khi xã hội phát triển, tỷ lệ trẻ tự kỷ tăng hơn so với trước đó. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2022, cứ 100 trẻ em trên thế giới thì có 1 trẻ được chẩn đoán mắc tự kỷ. Đáng chú ý, bé trai có nguy cơ mắc tự kỷ cao hơn bé gái từ 3-4 lần. Những con số này không chỉ phản ánh mức độ phổ biến của tự kỷ mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức tự kỷ trong cộng đồng.
Hành trình đồng hành và giúp trẻ tự kỷ hòa nhập là một chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn, thấu hiểu và nỗ lực không ngừng từ gia đình, toàn xã hội. Trẻ tự kỷ, với những đặc điểm riêng biệt về giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội, cần một môi trường đặc biệt để có thể phát triển toàn diện và hòa nhập một cách tốt nhất. Sự thấu hiểu và đồng hành đó phải bắt đầu từ gia đình. Cha mẹ phải chấp nhận sự khác biệt của trẻ tự kỷ, tìm cách để tương tác với con, chơi cùng con, nghe ý kiến của con thay vì nóng vội bắt con phải làm gì đó theo ý người lớn,...
Việc tìm hiểu về chứng tự kỷ, những khó khăn mà trẻ đang phải đối mặt, sẽ giúp gia đình có cái nhìn đúng đắn và xây dựng được phương pháp hỗ trợ phù hợp với từng trẻ. Để bước vào thế giới của trẻ tự kỷ, cha mẹ phải kiên trì, học cách chấp nhận và đặt ra kế hoạch đồng hành, bù đắp “cái khuyết” của con chứ không hối thúc hay mong con theo mình.
Một điều quan trọng nữa là cha mẹ phải tìm được phương pháp điều trị, can thiệp có thể giúp trẻ tự kỷ phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội và điều chỉnh hành vi từ các chuyên gia, cơ sở giáo dục đặc biệt. Giáo dục và can thiệp sớm đóng vai trò then chốt trong việc giúp trẻ tự kỷ phát triển các kỹ năng cần thiết. Các phương pháp can thiệp như trị liệu ngôn ngữ, trị liệu hành vi và trị liệu cảm giác có thể giúp trẻ cải thiện giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội.
Mỗi trẻ tự kỷ là một cá thể đặc biệt với những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Đồng hành cùng trẻ tự kỷ, xã hội cần có cái nhìn đúng đắn về chứng tự kỷ và những khó khăn mà trẻ đang phải đối mặt. Nhằm hỗ trợ, đồng hành với trẻ tự kỷ, cơ quan chức năng tổ chức nhiều chương trình truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ, xóa bỏ định kiến và kỳ thị.
Đồng thời, xây dựng môi trường giáo dục, vui chơi và làm việc thân thiện, phù hợp với nhu cầu của trẻ tự kỷ; khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội, tạo cơ hội cho các em phát triển kỹ năng, thế mạnh; tạo điều kiện cho gia đình trẻ tự kỷ tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ cần thiết.
Đừng xem tự kỷ là một căn bệnh mà hãy xem việc giúp trẻ tự kỷ hòa nhập và phát triển là hành trình đặc biệt cần sự thấu hiểu, chia sẻ và yêu thương. Hành trình đó không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn đòi hỏi sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Sự thấu hiểu, cảm thông và những hành động thiết thực từ cộng đồng sẽ tạo nên một môi trường sống tốt đẹp hơn cho trẻ tự kỷ, giúp các em hòa nhập và phát triển toàn diện.
Ngày 02/4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ - một sự kiện do Liên hợp quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ./.
Tâm An