Đoàn kiểm tra liên ngành nhắc nhở hộ buôn bán động vật chấp hành quy định của pháp luật
Không để xảy ra cháy rừng
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh - Lê Hồng Vương cho biết: “Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, diện tích đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý không xảy ra cháy và phá rừng. Toàn huyện có 792 thành viên tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Các đơn vị thường xuyên tuần tra, kiểm soát PCCCR, nhất là trong những tháng mùa khô”.
Hạt Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh bố trí trên 100 bảng PCCCR và bảo vệ rừng, bảo vệ động vật rừng, cấm lửa tại các địa bàn do đơn vị quản lý nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và PCCCR cho người dân.
Theo kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh - Phạm Minh Phúc, hiện nay, công tác bảo vệ, PCCCR, cập nhật số liệu về diện tích rừng được đơn vị thực hiện thường xuyên và báo cáo tình hình PCCCR về cấp trên. Qua đó, kịp thời chỉ đạo về PCCCR, bố trí người và phương tiện để dập lửa khi có cháy rừng xảy ra.
Panô tuyên truyền về việc cấm buôn bán trái phép động vật hoang dã và mức xử phạt
Bảo vệ động vật hoang dã
Năm 2020, Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chợ nông sản Trạm dừng chân Thạnh Hóa (Quốc lộ N2, thị trấn Thạnh Hóa), phát hiện và xử lý vi phạm về kinh doanh, mua bán động vật rừng 14 vụ (trong đó có 11 vụ không có chủ sở hữu và 3 vụ có chủ sở hữu). Đoàn cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13 vụ vi phạm hành chính, 1 vụ xử lý hình sự (buôn bán động vật quý hiếm rái cá).
Song song đó, Đoàn kiểm tra liên ngành tịch thu 574 con động vật rừng các loại (gần 70kg); 1 xe môtô, xử phạt đối tượng vi phạm tổng số tiền 30 triệu đồng (đã chấp hành nộp phạt 10 triệu đồng). Đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp Công an huyện xử lý 6 vụ vi phạm kinh doanh, buôn bán động vật rừng, xử phạt số tiền 21,5 triệu đồng. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh hướng dẫn 30 hộ kinh doanh ký cam kết không mua bán động vật rừng bị cấm và khi mua bán động vật rừng phải có nguồn gốc hợp pháp (Theo Chỉ thị 29/CT-TTg, ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách khi quản lý động vật hoang dã).
Trong quí I, II-2021, Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra định kỳ và đột xuất 60 đợt đối với các hộ kinh doanh, mua bán động vật hoang dã, phát hiện nhiều vụ vi phạm; trong đó, phát hiện nhiều loại động vật rừng thuộc nhóm II B: Rùa răng (càng đước) 2 con, rùa núi vàng 1 con, rùa nắp 5 con, tổng cộng 22,5kg. Đoàn kiểm tra liên ngành tịch thu động vật hoang dã thông thường: Chim mỏ nhác 21 con, chim trích (xít) 14 con, cò ốc 1 con, cồng cộc 4 con, vạc 3 con, cò ruồi 11 con, gà nước vằn 4 con; tịch thu gần 100 con động vật hoang dã (gần 40kg). Qua kiểm tra, phát hiện và xử lý 5 vụ vi phạm hành chính, xử phạt số tiền 60 triệu đồng về hành vi mua bán động vật rừng trái pháp luật.
Bà Hồng Loan, buôn bán tại chợ nông sản Trạm dừng chân Thạnh Hóa, chia sẻ: “Gần đây, hộ buôn bán đều được Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý chợ tuyên truyền, nhắc nhở về việc cấm mua bán động vật không rõ nguồn gốc, quý hiếm; đồng thời, tăng cường bảo vệ môi trường để thu hút khách”.
Hạt Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ các cơ sở nuôi động vật rừng, cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ các hoạt động về nhập, xuất lâm sản, khai thác, vận chuyển lâm sản,... Từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị theo dõi 10 hộ buôn bán động vật rừng (có nguồn gốc) mua bán tại chợ nông sản Trạm dừng chân Thạnh Hóa.
Trưởng ban Quản lý chợ nông sản Trạm dừng chân Thạnh Hóa - Lý Tấn Phước cho biết: “Đa số hộ kinh doanh buôn bán động vật ở chợ đều chấp hành tốt nội quy, quy chế của chợ, chỉ buôn bán loại động vật có nguồn gốc (có giấy phép). Các hộ chấp hành nghiêm về bảo vệ môi trường, nhất là hộ buôn bán chuột đồng, đều sử dụng thuốc khử mùi ngày 2 lần. Đặc biệt, hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự tại chợ cũng giúp lực lượng chức năng quản lý công tác phát hiện buôn bán động vật cấm”.
“Hiện nay, khó khăn nhất trong việc xử lý vi phạm hành chính là khi cơ quan chức năng lập biên bản thì đối tượng không chịu ký biên bản vi phạm. Nhiều đối tượng còn có hành vi tẩu tán hàng hóa khi vi phạm và khi ra quyết định xử phạt thì đối tượng vi phạm không chấp hành nộp phạt. Cụ thể, năm 2020, Đoàn kiểm tra liên ngành ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng thì đối tượng chỉ nộp phạt 10 triệu đồng. 5 tháng đầu năm 2021, Đoàn kiểm tra liên ngành ra quyết định xử phạt 60 triệu đồng nhưng chưa có đối tượng nộp phạt, mặc dù cơ quan chức năng đã 2 lần nhắc nhở. Sắp tới, đối với những hộ đã vi phạm hành chính không nộp phạt nhiều lần theo quy định thì cơ quan chức năng xin ý kiến cấp trên và tổ chức cưỡng chế” - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh - Nguyễn Văn Sung cho biết./.
Lâm Đỗ