Tiếng Việt | English

01/12/2020 - 11:40

Chung tay bảo vệ rừng

Những năm qua, tỉnh Long An có nhiều biện pháp tích cực trong công tác bảo vệ rừng và trồng rừng, góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường.

Nạo vét kênh mương, tích trữ nước là một trong những biện pháp để phòng cháy, chữa cháy

Nạo vét kênh mương, tích trữ nước là một trong những biện pháp để phòng cháy, chữa cháy

Hiện nay, tỉnh có trên 22.608ha đất có rừng, trong đó rừng đặc dụng trên 1.960ha, tập trung ở Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng), Khu Di tích lịch sử Cách mạng tỉnh (huyện Đức Huệ) và Khu Bảo tồn Đa dạng sinh học cây dược liệu Đồng Tháp Mười; rừng phòng hộ trên 2.000ha và rừng sản xuất gần 18.600ha, tập trung ở huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường,... Diện tích rừng chủ yếu là rừng tràm như tràm cừ, tràm gió, tràm úc, tràm bông vàng,... Độ che phủ của rừng trên 3,7%.

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2015-2019, tỉnh xảy ra 16 điểm cháy nhưng đều được phát hiện sớm, từ đó huy động được lực lượng chữa cháy kịp thời nên chỉ có 5 vụ cháy gây thiệt hại về rừng, với diện tích 35,09ha. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh xảy ra 13 điểm cháy, trong đó có 2 vụ thiệt hại về rừng, với diện tích 880m2.

Số vụ cháy rừng năm sau cao hơn năm trước báo động về tình trạng cháy rừng đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác bảo vệ rừng. Xác định được vấn đề này, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch, lịch kiểm tra công tác bảo vệ rừng; thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy; trang bị 79 máy chữa cháy chuyên dụng với trên 1.600 cuộn vòi chữa cháy, tương đương trên 32.100m2, 29 tháp canh lửa, trên 3.688km kênh nội đồng giữ nước, 42 biển báo cấm lửa, 58 bảng tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao,…

Khu bảo tồn Đa dạng sinh học cây dược liệu Đồng Tháp Mười (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) thuộc rừng đặc dụng, có diện tích gần 770ha. Ngoài trang bị các phương tiện chữa cháy như máy bơm, xuồng máy, vỏ lãi, tháp canh, khu bảo tồn còn nạo vét kênh, mương tích trữ nước và thành lập Ban phòng cháy, chữa cháy bảo đảm yêu cầu chữa cháy tại chỗ và phối hợp các đơn vị, địa phương xung quanh chủ động ứng phó khi cần thiết.

Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng) đang quản lý trên 1.150ha rừng. Giám đốc Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng sen - Trương Thanh Sơn cho biết: “Lúc trước, Khu Bảo tồn chưa được đầu tư tháp canh nên công tác phòng cháy, chữa cháy rừng gặp khó khăn như: Cán bộ phải leo lên các cây tràm cao để quan sát nên rất vất vả và việc báo động cũng rất khó. Còn nay, khu bảo tồn được đầu tư 4 tháp canh, 10 chiếc xuồng máy, 5 máy chữa cháy chuyên dụng, 4.500m dây và vòi phun lớn,... Ngoài ra, các kênh, mương đều được nạo vét để tích trữ nước khi có sự cố xảy ra. Nhìn chung, đơn vị chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với mùa khô năm 2020-2021”.

Không chỉ quan tâm đến phòng cháy, chữa cháy rừng, tỉnh còn chú trọng công tác phát triển và sử dụng rừng. Chỉ tính từ năm 2015 - 2019, tỉnh tổ chức trồng mới trên 1.072ha rừng, trồng lại rừng sau khai thác trên 6.228ha, rừng phòng hộ 40ha. Riêng năm 2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ hỗ trợ trồng 30ha rừng đặc dụng thuộc tiểu khu 10 Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen và gần 119ha rừng phòng hộ biên giới thuộc huyện Vĩnh Hưng và
Tân Hưng.

Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh - Trịnh Hùng Cường cho biết: “Thời gian qua, thời tiết có nhiều chuyển biến phức tạp và bất thường, nắng nóng, khô hạn kéo dài trên diện rộng nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương có rừng nên công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng đạt nhiều kết quả khả quan; nhiều vụ cháy được ngăn chặn kịp thời, không gây thiệt hại nhiều đến tài nguyên rừng. Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị có diện tích rừng lớn, nguy cơ cảnh báo cháy rừng cấp 4, 5; xây mới, sửa chữa, cải tạo các công trình bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng và trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng hiện có; triển khai các văn bản, công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng;...”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết