Tiếng Việt | English

21/09/2017 - 14:17

Hiệu quả từ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn

Năm 2009, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An thực hiện chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) vùng khó khăn ở 3 xã: Bình Hiệp, Bình Tân và Thạnh Trị. Sau thời gian triển khai, chương trình giúp nhiều hộ có nguồn vốn SXKD, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần thay đổi bộ mặt KT-XH một số xã vùng biên.

Điểm tựa cho các hộ sản xuất, kinh doanh

Ngày 05/3/2007, Thủ tướng Chính phủ hành Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng.

Theo đó, thị xã Kiến Tường có 3 xã: Bình Hiệp, Bình Tân và Thạnh Trị nằm trong quyết định này. Sau thời gian thực hiện, đến nay, tổng doanh số cho vay ở 3 xã trên 40 tỉ đồng (chiếm 25%/tổng dư nợ) với trên 1.100 lượt hộ được vay vốn. Hầu hết nguồn vốn này được các hộ sử dụng vào việc cơ giới hóa nông nghiệp, chăn nuôi gia súc sinh sản và lấy thịt.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp - Trần Thị Băng Tuyết cho biết: “Đến nay, xã có tổng dư nợ từ nguồn vốn này trên 16 tỉ đồng, với 400 hộ vay vốn. Đối tượng được vay vốn từ chương trình này là những hộ mới thoát nghèo, từ đó, giúp họ giảm nghèo bền vững, không để xảy ra tình trạng tái nghèo, nhất là góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương”.

Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn giúp gia đình bà Nguyễn Thị Thịnh thoát nghèo bền vững

Bà Nguyễn Thị Thịnh, ngụ ấp Ông Nhan Đông, xã Bình Hiệp, chia sẻ: “Trước đây, thuộc diện hộ nghèo nên gia đình tôi được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Năm 2015, gia đình tôi thoát nghèo và nhận được nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ số tiền này, tôi đầu tư nuôi bò sinh sản. Đến nay, gia đình tôi có 4 con bò cái, vươn lên là hộ khá ở địa phương”.

Cần có chính sách thay thế

Theo Quyết định số 900/QĐ-TTg, ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 (giai đoạn 2017-2020) thì xã Bình Hiệp và Thạnh Trị của thị xã Kiến Tường không còn nằm trong chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn. Quyết định này làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở 2 xã trên.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị - Trương Văn Y chia sẻ: “Hiện nay, đời sống của nhiều người dân xã Thạnh Trị còn rất khó khăn. Xã lại đang trong giai đoạn xây dựng xã nông thôn mới, vì vậy, việc “thoát” khỏi chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn trực tiếp ảnh hưởng đến 3 tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới là nhà ở, thu nhập, hộ nghèo. Vì vậy, chúng tôi rất cần các cơ quan chức năng xem xét để có một chính sách khác thay thế nhằm hỗ trợ người dân nơi đây ổn định cuộc sống”.

Chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế, được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ. Với chương trình này, các hộ gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn để phát triển SXKD, giúp các hộ vươn lên làm giàu, đóng góp cho sự phát triển KT-XH vùng khó khăn. Chính vì thế, việc các xã biên giới: Thạnh Trị, Bình Hiệp không được tiếp tục hưởng chính sách vay vốn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, thu nhập và mức sống của người dân nơi đây.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã Kiến Tường - Võ Nhựt Trung khẳng định: “Nhu cầu sử dụng vốn của xã Bình Hiệp và Thạnh Trị vẫn còn rất lớn. Nếu cắt nguồn vốn đột ngột từ chương trình cho vay hộ gia đình SXKD sẽ làm cho 2 địa phương này gặp nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ vốn cho những hộ mới thoát nghèo, từ đó, có khả năng xảy ra tình trạng tái nghèo. Chúng tôi hy vọng có một chính sách khác thay thế nhằm giúp người dân an tâm sản xuất”.

Thực tế khẳng định, chương trình cho vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nếu cắt chương trình này với xã Bình Hiệp và Thạnh Trị sẽ gây tâm lý hoang mang cho người dân, nhất là ảnh hưởng đến việc nâng chất và đạt chuẩn xã nông thôn mới trong thời gian tới./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích