Tiếng Việt | English

16/09/2015 - 10:18

Đảng bộ cơ sở Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn với nhiệm vụ

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ cơ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế từng vùng sinh thái, trong đó, cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành. Hiện nay, sản xuất ngày càng được chú ý về hiệu quả, chất lượng, từ đó, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung như: Vùng lúa nếp Châu Thành - Thủ Thừa, vùng rau thực phẩm Cần Đước - Cần Giuộc, vùng chanh Bến Lức - Đức Huệ, thanh long Châu Thành, chăn nuôi gia súc Đức Hòa - Đức Huệ, nuôi thủy sản vùng hạ… ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả.


Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 51.400 tấn trong nhiệm kỳ tới

5 năm qua, tốc độ tăng trưởng toàn ngành ước đạt 3,9%. Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2015 ước đạt 8.120,2 tỉ đồng (bằng 116,5% so năm 2011). Bình quân giá trị sản xuất giai đoạn 2011-2015 tăng 4,3% năm; trong đó nông nghiệp (4,7%), lâm nghiệp (0,5%) và thủy sản (2,3%).

Trong sản xuất lúa, lúa chất lượng cao ngày càng tăng, năm 2014 đạt 744.000 tấn, chiếm 26% tổng sản lượng lúa của tỉnh, dự kiến năm 2015 đạt 850.000 tấn, chiếm 29% tổng sản lượng lúa của tỉnh. Đặc biệt, tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa diễn ra mạnh mẽ, có trên 4.000ha đất lúa chuyển sang trồng thanh long, chanh, bắp, mè,... đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, cây lúa vẫn có vị trí, vai trò quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong lĩnh vực trồng trọt. Sản lượng lúa đạt bình quân 2,75 triệu tấn/năm, trong đó lúa chất lượng cao cuối năm 2014 đạt trên 744.000 tấn, tăng 264.000 tấn so với năm 2010.Dự kiến kế hoạch sản lượng lúa năm 2015 ở mức khoảng 2,868 triệu tấn, tăng 483.000 tấn so với năm 2010. Trong đó, sản lượng lúa nếp và lúa đặc sản ước đạt 850.000 tấn, tăng 370.000 tấn so với năm 2010.

Bên cạnh đó, diện tích chanh đến nay ước đạt 6.715ha, tăng khoảng 3.000ha so với năm 2010. Sản lượng chanh đạt trên 80.000 tấn (tăng 10.985 tấn so với năm 2010), lợi nhuận ước đạt 200 - 300 triệu đồng/ha. Thanh long diện tích trồng đạt 6.800ha, tập trung tại huyện Châu Thành. Trong đó, diện tích cho trái ước đạt 3.000ha, năng suất thu hoạch đạt 350 tạ/ha (tăng 36,3 tạ/ha), sản lượng 105.000 tấn (tăng 79.620 tấn so với năm 2010), lợi nhuận từ 200 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Để phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, thông qua các nguồn vốn đầu tư,...Ngành Nông nghiệp đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, trạm, trại sản xuất. Tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2011-2015 ước khoảng 11,1 ngàn tỉ đồng, từ đó có trên 90% diện tích trồng lúa được tưới, tiêu; dự án Khu tưới Phước Hòa được đầu tư đã tưới tiêu chủ động cho 10.000ha để hình thành vùng sản xuất thâm canh lúa - đậu phộng, rau màu, bắp - chăn nuôi bò sữa, bò thịt; Hoàn thiện dự án thủy lợi Bảo Định giai đoạn II cung cấp nước ngọt cho trên 5.000ha thanh long và 10.000ha sản xuất lúa 3 vụ; và các dự án nạo vét kênh ở vùng Đồng Tháp Mười,… để tiếp nước từ Sông Tiền về rửa phèn, đẩy mặn phục vụ tưới tiêu cho sản xuất và dân sinh.

Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: Để bảo đảm phát triển ngành Nông nghiệp theo Nghị quyết của Đảng, nhất là giai đoạn 2016-2020 sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn ngành, trong đó 228 đảng viên sinh hoạt ở 15 chi bộ trực thuộc Đảng bộ Sở đóng vai trò là hạt nhân lãnh đạo; phấn đấu 100% chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 50% đạt trong sạch, vững mạnh; trên 95% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 20% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không có đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ./.

Lê Huỳnh

 

Chia sẻ bài viết