Tiếng Việt | English

09/10/2015 - 15:22

Long An

Nông nghiệp khởi sắc

Quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX: “Phát triển toàn diện nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững, phấn đấu tăng trưởng khu vực nông-lâm-ngư nghiệp đạt bình quân 4%/năm, sản lượng lương thực đạt bình quân 2,1 triệu tấn/năm... Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn 2011-2015, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, cơ bản hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH 5 năm của tỉnh.


Giai đoạn 2015-2020, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 3-3,3%/năm; sản lượng lúa đạt 2,8 triệu tấn/năm, trong đó lúa chất lượng cao đạt trên 50% tổng sản lượng.

Kết quả nổi bật

Là một trong những tỉnh có quy mô sản xuất lúa lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Long An có diện tích canh tác lúa trên 250.000ha, sản lượng bình quân 2,75 triệu tấn/năm (2010-2015). Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã nỗ lực hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa diễn ra mạnh mẽ, đã có trên 10.000ha đất lúa chuyển sang trồng thanh long, chanh, bắp, mè,... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất thủy sản có sự chuyển dịch từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng. Từng bước hình thành vùng chăn nuôi tập trung như vùng chăn nuôi gia cầm (Tân Trụ, Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc),...; vùng chăn nuôi heo (Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức,...), vùng chăn nuôi bò sữa (Đức Hòa, Châu Thành,...).

Trong nông nghiệp, cây lúa vẫn giữ vị trí quan trọng, chiếm tỷ trọng cao. Trong đó, lúa chất lượng cao cuối năm 2014 đạt trên 742.000 tấn (tăng 262.000 tấn so 2010). Dự kiến đến cuối năm 2015, sản lượng lúa ở mức khoảng 2,868 triệu tấn, (tăng 536.000 tấn so với năm 2010). Trong đó, sản lượng lúa nếp và lúa đặc sản ước đạt 850.000 tấn (tăng 370.000 tấn so với năm 2010). Các cây trồng khác nhờ thực hiện tốt công tác giống và chuyển giao khoa học-kỹ thuật nên năng suất tăng, mía tăng 12,2 tạ/ha, bắp tăng 16,6 tạ/ha, mè tăng 2,6 tạ/ha,...

5 năm qua, ngành đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, trạm, trại sản xuất,... từng bước phục vụ tốt hơn yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho các công trình thủy lợi, trạm, trại,.... liên tục tăng qua các năm, tổng số vốn đầu tư cả giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt gần 10.000 tỉ đồng. Hiện nay, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ khá hiệu quả cho sản xuất, có 90% diện tích trồng lúa được tưới, tiêu; chủ động cho 10.000ha ở huyện Đức Hòa để hình thành vùng sản xuất thâm canh lúa – đậu phộng, rau màu, bắp – chăn nuôi bò sữa, bò thịt; hoàn thiện dự án thủy lợi Bảo Định giai đoạn II cung cấp nước ngọt cho trên 5000ha thanh long và 10.000ha sản xuất 3 vụ; các dự án nạo vét kênh Đồng Tiến – La găng, Mỹ Hòa – An Phong – Bắc Đông; kênh 79, kênh 61, kênh 28... đã tiếp nước từ sông Tiền để rửa phèn, đẩy mặn phục vụ tưới tiêu cho sản xuất và dân sinh.

Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, ngành Nông nghiệp xã hội hóa công tác giống, từng bước xây dựng và củng cố các tổ sản xuất lúa giống trong dân. Đến nay, ước tính diện tích lúa sử dụng giống cấp xác nhận đạt khoảng 50%; diện tích trồng rau ăn trái tiếp tục gia tăng sử dụng các giống lai F1 (trên 70%), tăng diện tích trồng thanh long ruột đỏ, chanh không hạt, mè trắng cao sản, mía đường, bắp ngọt, dưa hấu và một số loại cây ăn trái khác; trên 95% trang trại, gia trại và nông hộ sử dụng các giống heo cao sản có tỷ lệ nạc cao, các giống bò sữa, gà công nghiệp, gà thả vườn, vịt đều sử dụng các giống tốt theo khuyến cáo, đặc biệt chất lượng đàn bò thịt có chiều hướng phát triển tích cực qua biện pháp gieo tinh nhân tạo các giống cao sản du nhập với đàn bò nền địa phương; nguồn giống tôm sú, tôm chân trắng được du nhập, người dân đã chú trọng chọn lọc giống có chất lượng tốt, đã chủ động sản xuất các loại giống cá nước ngọt phục vụ sản xuất trong tỉnh và cung cấp cho các tỉnh bạn.


Phòng, chống dịch bệnh trên cây lúa

Ngành Nông nghiệp tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng rộng quy trình trồng lúa thâm canh “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”,… phối hợp xây dựng các vùng trồng lúa chất lượng cao theo mô hình “cánh đồng lớn”; cải tiến quy trình canh tác áp dụng các biện pháp quản lý sản xuất theo quy trình GAP và ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ sinh học trên các loại cây trồng khác như đậu phộng, mía, bắp, lai, dưa hấu, các loại rau…; ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong trồng rau thủy canh, thực hiện mô hình san bằng mặt ruộng bằng tia laser, xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất lúa chất lượng Nàng thơm chợ Đào... từng bước góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

Về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã mang lại hiệu quả tích cực, dạy nghề nông nghiệp cho 25.519/40.525 lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp (chiếm 63%), 80% lao động có việc làm sau học nghề và có thu nhập cao hơn trước. Đến nay, toàn tỉnh đã có 29 xã đạt tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2015, sẽ có 40 xã đạt chuẩn, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (40/36 xã).

Tiếp tục tạo bước đột phá

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: Để hoàn thành kế hoạch 2016-2020, trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế và tập trung vào một số sản phẩm chủ lực, ngành Nông nghiệp tỉnh đề ra các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển bền vững theo hướng coi trọng chất lượng và gia tăng giá trị, tập trung đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi được xác định là nông sản hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên cơ sở đẩy mạnh công tác giống, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất; tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng cho các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa, từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đô thị nhằm tạo bước đột phá mới, phát triển trồng trọt, chăn nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế. Tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, ngành nghề nông thôn... Giai đoạn 2015-2020, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 3-3,3%/năm; sản lượng lúa đạt 2,8 triệu tấn/năm, trong đó lúa chất lượng cao đạt trên 50% tổng sản lượng.

Kết quả đáng phấn khởi từ việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đang làm thay đổi bức tranh kinh tế của nhiều vùng nông thôn Long An. Sau 5 năm, nông thôn Long An đã "khoác trên mình chiếc áo mới", đời sống người dân được cải thiện, nâng cao, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, từng bước đạt các tiêu chí trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới./.

Mai Hùng Dũng

 

Chia sẻ bài viết