Tiếng Việt | English

03/11/2016 - 10:14

Hiệu quả từ mô hình thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ở các vùng nông thôn đến mức báo động. Do đó, việc thu gom, xử lý rác thải là vấn đề cần được các cấp, các ngành, đặc biệt là người dân quan tâm.

Thu gom và xử lý rác thải

Ở xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, mô hình Thu gom và xử lý rác thải do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã quản lý không chỉ góp phần tích cực trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn mà còn nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.


Các hộ, hội viên Hội Phụ nữ xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ với mô hình thu gom rác thải tại gia đình, góp phần bảo vệ môi trường

Xã An Nhựt Tân có 6/6 ấp và 65 hộ hội viên phụ nữ thực hiện với 70 giỏ rác, tổng kinh phí 2 triệu đồng do Hội LHPN huyện tài trợ. Định kỳ mỗi tuần một lần, hội viên phụ nữ tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt ở từng hộ, khu dân cư và khu vực chợ đưa đến bãi rác tập trung để xử lý. Sau khi chợ tan, các chị lại tập trung để quét dọn, thu gom rác thải. Nhờ đó, cảnh quan, môi trường sống ở đây ngày càng sạch, đẹp hơn.

Mô hình thu gom, xử lý rác thải được xã triển khai thực hiện từ năm 2013 và giao cho Hội LHPN xã quản lý. Lúc đưa vào hoạt động, mô hình thực sự phát huy hiệu quả. Bởi trước đây, việc thu gom và xử lý rác thải ở khu vực chợ và khu dân cư vẫn được thực hiện theo kiểu "mạnh ai người ấy làm", chỗ nào có đất trống là người dân mang rác đến đổ, nhất là sau mỗi phiên chợ, rác thải tràn lan.

Chủ tịch Hội LHPN xã An Nhựt Tân - Đặng Thị Kim Xuân cho biết: “Hội LHPN xã triển khai kế hoạch đến tất cả 6 chi hội trên địa bàn, xây dựng được những con đường do phụ nữ tự quản, thu gom, phân loại rác thải tại các hộ gia đình, khu dân cư, vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi trường. Đến nay, rác thải ở địa phương được xử lý trên 90%”.

Ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên

Long Thuận là xã thuần nông của huyện Thủ Thừa, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Những năm trước đây, vấn đề rác thải, bảo vệ môi trường tại địa bàn hầu như không được người dân quan tâm. Đến năm 2012, mô hình thu gom rác thải bỏ vào thùng rác ra đời, xã ký hợp đồng với Công ty Công trình đô thị Thủ Thừa vận chuyển rác về điểm xử lý. Sau khi rác thải được người dân tập kết tại từng điểm cố định, 1-2 lần/tuần, công ty đưa xe vào thu gom rác đến điểm xử lý.


Hố thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa

Hiện nay, trên địa bàn xã có 20 thùng rác được lắp đặt dọc 2 bên đường, khu đông dân cư và trường học. Đối với những hộ dân nhà ở những nơi xa lộ, cặp các tuyến kênh, không đủ điều kiện để thu gom rác ra điểm tập kết thì xã cử cán bộ đến tận nơi hướng dẫn người dân đào hố xử lý rác thải theo đúng quy định. Trên các trục giao thông chính, khu dân cư, trường học của xã được người dân tự giác thu gom rác bỏ vào thùng một cách nghiêm túc, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Ông Nguyễn Văn Toàn, ở ấp 2, xã Long Thuận chia sẻ: “Lúc trước, rác sinh hoạt của gia đình không biết xử lý thế nào, để dồn lại cả tuần rồi gom đốt một lần, gây ô nhiễm môi trường. Từ khi xã tuyên truyền, thực hiện mô hình thu gom rác thải, hàng ngày, chúng tôi bỏ rác thải vào thùng rồi đem đến điểm tập kết. Thùng rác có nắp đậy, tránh gây ô nhiễm. Gia đình tôi rất ủng hộ chủ trương và luôn thực hiện nghiêm túc”.

“Nhà tôi ở sâu trong đồng, điều kiện đi lại khó khăn. Trước đây, rác thải vứt bừa ra ruộng, kênh do không có điểm tập kết xử lý làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Nhờ địa phương tuyên truyền, hướng dẫn kịp thời nên chúng tôi biết cách xử lý an toàn. Gia đình tôi tiến hành đào hố bỏ rác thải và đốt theo sự hướng dẫn” - ông Đỗ Văn Nghiệp, ở ấp 2 cho biết.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận - Bùi Văn Khương thông tin: “Mô hình Thu gom rác thải góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao được ý thức của người dân. Tuy nhiên hiện nay, số thùng rác được bố trí tại địa phương còn ít so với nhu cầu thực tế. Chúng tôi kiến nghị huyện bố trí thêm các thùng rác để người dân thuận tiện trong việc bỏ rác”.

Ngoài ra, xã còn phối hợp Hội Nông dân xây dựng hố để thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường xung quanh, tạo cảnh quan trên cánh đồng - ông Khương thông tin thêm./.

Song Hồng-Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích