Tiếng Việt | English

23/07/2021 - 09:04

Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nhờ mạnh dạn chuyển từ đất trồng lúa năng suất thấp sang các loại cây trồng khác, nhiều nông dân không chỉ vươn lên làm giàu, cải thiện cuộc sống mà còn mở ra hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp.

Những nông dân dám nghĩ, dám làm

Tại huyện Bến Lức (tỉnh Long An), có thời gian cây mía phát triển mạnh, mang lại thu nhập cao cho người trồng. Lúc đó, 1ha mía có sản lượng từ 80-100 tấn, giá bán từ 1-1,1 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi trên 600.000 đồng/tấn. Thế nhưng từ năm 2013 đến nay, nông dân trồng mía gặp nhiều khó khăn do Nhà máy Đường Nivl (xã Lương Hòa) thua lỗ, ngừng hoạt động. Từ đó, cây mía không có nơi tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều nông dân trong huyện mạnh dạn chuyển sang trồng chanh.

Ông Huỳnh Văn Khoa (ấp 6, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) cho biết: “Năm 2014, gia đình tôi trồng 3ha mía, mỗi hécta lỗ từ 40-60 triệu đồng. Thấy vậy, tôi chuyển sang trồng chanh. Sau 18 tháng, chanh bắt đầu cho trái, bình quân 1ha chanh thu hoạch được từ 1,5-2 tấn, giá bán từ 4.000-13.000 đồng/kg, tuổi thọ cây chanh khoảng 5 năm. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn trước”.

Trồng rau ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế

Còn tại huyện Cần Giuộc, cây rau đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Nhằm nâng chất lượng rau, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều nông dân mạnh dạn tham gia vùng rau ứng dụng công nghệ cao, từ đó hình thành nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu) - Đặng Duy Dũng cho hay: “Hiện nay, HTX có 31 thành viên chính thức và 120 thành viên liên kết với 30ha rau sản xuất theo quy trình VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các bếp ăn tập thể, nhà trẻ, công ty, siêu thị,... HTX thu mua sản phẩm của các thành viên cao hơn giá thị trường 500-1.000 đồng/kg. Mỗi ngày, HTX xuất bán 6-8 tấn rau các loại. Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau nên lợi nhuận cao hơn so với sản xuất thông thường”.

Mùa khô năm 2015-2016, tình trạng xâm nhập mặn diễn biến phức tạp làm nhiều diện tích lúa bị thiệt hại. Thấy vậy, anh Đỗ Thanh Phong (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) chuyển 1ha đất trồng lúa sang trồng mít xen canh bưởi. Anh đào mương trữ nước, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt. Sau 2 năm, vườn mít bắt đầu cho trái, bình quân mỗi năm, anh có thu nhập trên 100 triệu đồng từ trồng mít, cao gấp 2 lần so với trồng lúa và không còn thấp thỏm lo hạn, mặn.

Ngán ngẩm với điệp khúc “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa”, ông Ngân Văn Phi (ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) chuyển từ đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng dừa xiêm dứa. Nhờ dừa bán có giá nên gia đình ông có lợi nhuận cao và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Ông Phi khẳng định: “Trồng dừa xiêm dứa ít tốn công chăm sóc, tuổi đời của dừa ít nhất là 25 năm, bình quân từ khi mua giống đến thu hoạch, nông dân chỉ bỏ ra khoảng 200.000 đồng/gốc dừa. Sau 18 tháng, người trồng bắt đầu có lãi. Bình quân mỗi cây dừa cho từ 120-150 trái/năm, giá bán 10.000 đồng/trái. Hiện nay, gia đình tôi chuyển từ 2,5ha đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng dừa xiêm dứa xen canh 300 gốc bưởi. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, tôi có lãi hàng trăm triệu đồng, gấp mấy lần so với trồng lúa”.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất giúp nhiều nông dân vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống, mở ra hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn và hiệu quả.

Anh Ngân Văn Phi có nguồn thu nhập ổn định với mô hình trồng dừa xiêm dứa (Ảnh tư liệu)

Hướng đi mới

Mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ngành Nông nghiệp là theo hướng giảm diện tích trồng lúa; hạn chế đến mức thấp nhất sản xuất lúa 3 vụ, tăng các ngành hàng có lợi thế và tính cạnh tranh cao như trồng cây ăn trái, rau thực phẩm,… Xác định được vấn đề này, huyện Tân Thạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn để thành lập vườn cây ăn trái 600ha tại xã Tân Lập theo hướng du lịch sinh thái miệt vườn.

Được biết, hiện nay, nhiều nông dân xã Tân Lập chuyển sang trồng các loại cây ăn trái khác nhau với tổng diện tích gần 350ha, gồm mít, sầu riêng, dừa, chanh, bưởi, mãng cầu, vú sữa,… Hầu hết các loại cây ăn trái này đều phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và bước đầu mang lại thu nhập rất cao cho nông dân.

Bà Đỗ Thị Bay (ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 300 gốc sầu riêng, bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, có lãi gần 2 tỉ đồng. Những nông dân khác khi chuyển đổi từ đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây ăn trái cũng có lợi nhuận cao. Nếu ở xã thành lập được khu du lịch sinh thái miệt vườn, chúng tôi rất mừng vì có thể kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản”.

Cây sầu riêng đang phát triển mạnh trên địa bàn xã Tân Lập, góp phần hình thành vùng chuyên canh trồng cây ăn trái của huyện Tân Thạnh (Ảnh tư liệu)

Bên cạnh kết quả đã đạt, việc chuyển đổi cây trồng vẫn còn nhiều khó khăn như một số vùng chuyển đổi tự phát, không theo quy hoạch; một số cây trồng chuyển đổi chưa phù hợp, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, cơ giới hóa khó khăn; chưa tạo thành vùng sản xuất tập trung để kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng chuỗi; còn một số địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi,…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân trên cùng đơn vị diện tích. Việc chuyển đổi còn hạn chế được tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước bỏ vụ kéo dài. Đây chính là cơ sở để nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp địa phương.

Để khắc phục các khó khăn trong việc chuyển đổi cây trồng thời gian qua, nhất là hoàn thành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2021-2025 là 54.442ha, trong đó cây hàng năm 42.033ha, cây lâu năm 12.100ha, trồng kết hợp nuôi trồng thủy sản 309ha, ngành Nông nghiệp tỉnh đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ quản lý, phòng trừ sâu, bệnh gây hại trên thanh long và chanh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp thị, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước; tăng cường hỗ trợ đầu tư hệ thống kênh thông tin về giá cả thị trường, thông tin khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất; xây dựng lộ trình và hướng dẫn cấp mã số vùng trồng trên phạm vi toàn quốc,…”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết