Tiếng Việt | English

28/02/2023 - 10:12

Hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh

Doanh nghiệp (DN) với vai trò là lực lượng sản xuất, kinh doanh chính, đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế. Lãnh đạo tỉnh Long An xác định, khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh. Chính vì vậy, các sở, ngành thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư.

Đầu năm 2023, có trên 50 doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tuyển dụng với tổng số gần 3.200 vị trí việc làm, tập trung chủ yếu ở các khu, cụm công nghiệp (Ảnh minh họa)

Thuận lợi, thách thức đan xen

Công ty TNHH San Hà (Cty San Hà) chuyên sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Hiện Cty San Hà đầu tư trang trại chăn nuôi gà theo hướng công nghệ cao tại xã Thạnh Lợi và nhà máy giết mổ tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức.

Theo Tổng Giám đốc Cty San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà, năm 2022, ngành Nông nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, sáng tạo, Ban Lãnh đạo Cty xoay trở nguồn lực trong mọi hoàn cảnh để vượt khó. So với các năm trước, doanh thu của Cty San Hà giảm nhưng vẫn duy trì các hoạt động sản xuất, sản lượng, thúc đẩy phát triển thương mại, giữ được nguồn lao động (LĐ) ổn định. Nhờ đó, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Năm 2023, kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng chậm, chính sách tiền tệ thắt chặt,... Vì vậy, sẽ tác động trên phạm vi lớn đến hầu hết DN. Trong bối cảnh đó, Cty San Hà chắc chắn cũng đối mặt khó khăn từ tác động giá vật tư đầu vào, thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước. Do vậy, Cty San Hà đang rà soát, cơ cấu lại chuỗi hoạt động trong DN sao cho phù hợp về tổ chức sản xuất và kênh phân phối, kết nối cung - cầu nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. Cũng theo bà Ngọc Hà, ngoài sự nỗ lực của mình, DN cần các chương trình kích cầu, thúc đẩy thương mại. DN cần vốn để đầu tư từ chính sách khơi thông nguồn vốn với chính sách ưu đãi đối với các ngành then chốt.

Năm 2023 dự báo có nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng tin rằng, từ sự chung sức, đồng lòng vượt qua sóng gió của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, các chỉ tiêu phát triển kinh tế mà tỉnh đề ra sẽ đạt khá toàn diện

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), với sự chăm lo của DN, quan tâm của chính quyền tỉnh đối với người LĐ, thị trường LĐ đầu năm 2023 ít có sự biến động. Hiện nay, hầu hết DN ổn định sản xuất. Ngay từ đầu năm, qua tổng hợp có trên 50 DN có nhu cầu đăng ký tuyển dụng với tổng số gần 3.200 vị trí việc làm, tập trung chủ yếu ở các khu, cụm công nghiệp. DN có nhu cầu tuyển dụng LĐ các ngành sản xuất, chế biến, gia công cơ khí, bảo trì thiết bị điện - điện tử, bao bì,...

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An, dự báo năm 2023, nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn tỉnh khoảng trên 45.000 vị trí việc làm. Trong đó, LĐ phổ thông chiếm 59,55%; chế biến, chế tạo chiếm 19,98%; kỹ thuật cơ khí, công nghệ chiếm 13,49%; kinh tế, văn phòng chiếm 6,98%.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các cơ quan ngoại giao, hiệp hội, DN năm 2023, đại diện Cty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam (huyện Bến Lức) cho rằng, hiện DN cũng gặp tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính quyền tỉnh cần hỗ trợ DN tìm kiếm LĐ. Đối với vấn đề DN thiếu hụt LĐ, UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trong đó, gắn đào tạo nghề với nhu cầu của DN, phối hợp DN để đào tạo nghề.

Đồng thời, các trường dạy nghề tăng cường hơn nữa liên doanh, liên kết trong đào tạo nghề để mở rộng ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc liên kết góp phần giúp DN có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, đáp ứng tốt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An - Đào Văn Nghiệp, ngân hàng sẽ phối hợp thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31 của Chính phủ, Thông tư số 03 của Ngân hàng Trung ương nhằm tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tăng trưởng và phát triển. Cụ thể, các giải pháp kết nối ngân hàng với DN, đối thoại DN, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN trên cơ sở công tác thanh, kiểm tra; trong cho vay cần nâng cao tính chủ động nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng tiếp cận chương trình. Đặc biệt, ngành Ngân hàng nỗ lực giữ ổn định thị trường tiền tệ, đây sẽ là nền tảng để thực hiện tốt các chính sách tín dụng hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Công ty TNHH San Hà đang rà soát và cơ cấu lại chuỗi hoạt động trong doanh nghiệp sao cho phù hợp về tổ chức sản xuất và kênh phân phối, kết nối cung - cầu nhằm thực hiện mục tiêu đề ra (Ảnh chụp tại nhà máy giết mổ gia cầm của Công ty TNHH San Hà tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức)

Năm 2022, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,46%, quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ 12/63 tỉnh, thành cả nước. Kế thừa kết quả đã đạt và nhận định các cơ hội, thách thức; phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu, tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023. Theo đó, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8-8,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 7,1 tỉ USD;... Tuy nhiên, theo nhận định, năm 2023 đầy khó khăn, thách thức do tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới, cộng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam.

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh, tuy năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng ngành Công Thương tin rằng từ sự chung sức, đồng lòng vượt qua của cả hệ thống chính trị và cộng đồng DN, các chỉ tiêu phát triển kinh tế mà tỉnh đề ra sẽ đạt khá toàn diện, tiếp tục là điểm sáng về phục hồi và phát triển KT-XH, là sự chọn lựa hấp dẫn, an toàn và tin cậy của các nhà đầu tư. Để hỗ trợ DN một cách tốt nhất trong thời điểm này, ngành đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh. Trong đó, ngành tập trung thu hút, tham gia xúc tiến đầu tư và phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản, giảm chế biến thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng nông sản có giá trị gia tăng cao.

Đặc biệt, ngành tiếp tục phát huy vai trò “cầu nối”, giới thiệu, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ, nhất là liên kết hợp tác với các tỉnh, TP.HCM để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; chú trọng phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch, an toàn, sản phẩm OCOP vào kênh phân phối hiện đại; tổ chức các sự kiện nổi bật giới thiệu hàng hóa nông sản của tỉnh; triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 2961/KH-UBND, ngày 13/9/2021 của UBND tỉnh.

Ngành Công Thương cũng tập trung phát triển, tái cơ cấu ngành Công nghiệp, thu hút và hỗ trợ các dự án đầu tư trọng điểm, thu hút công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; triển khai, thực hiện Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025, tạo điều kiện thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hình thành chuỗi sản xuất cung ứng ổn định bền vững. Chương trình khuyến công năm 2023 và giai đoạn 2021-2025 đang được đơn vị trực thuộc Sở Công Thương triển khai nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm.

Hiện Sở Công Thương hỗ trợ DN tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEPT để đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, nâng cao cơ hội cạnh tranh và giá trị của hàng hóa xuất khẩu, nhất là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết