Tiếng Việt | English

21/12/2016 - 09:15

Hoa màu, cây kiểng tết vào mùa

Thời điểm này, nhiều nông dân tất bật chăm sóc rau màu, hoa kiểng phục vụ thị trường tết với hy vọng một mùa bội thu để đón cái tết thật ấm no, sung túc.


Anh Huỳnh Văn Thi chăm chút những giỏ hoa phục vụ thị trường tết

Tại Long An, rau màu, hoa kiểng phục vụ thị trường tết hầu hết được trồng tự phát, rải rác ở hầu hết các địa phương. Trong đó, nhiều nhất là tại các huyện Cần Giuộc, Cần Đước và TP.Tân An,...

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Đồng Quang Đôn, diện tích rau màu của toàn huyện gần 2.000ha, tập trung tại các xã: Mỹ Lộc, Phước Hậu, Phước Lâm. Ngoài ra, Cần Giuộc còn có 26 vườn lan quy mô lớn với trên 12ha (tại xã Phước Lý, Mỹ Lộc, Long Thượng, Phước Lâm, Thuận Thành và thị trấn Cần Giuộc) phục vụ quanh năm và cao điểm là mùa tết. Đến đầu tháng 12-2016, toàn huyện có trên 108ha dưa hấu tại xã Mỹ Lộc, Phước Hậu và Phước Lâm. Hiện tại, Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi huyện chủ động ngăn mặn, tích nước dự trữ để người dân an tâm sản xuất.

Hàng năm, vào khoảng 23, 24 tháng 10 (âm lịch), nông dân xã Mỹ Lộc xuống giống đợt dưa tết. Anh Nguyễn Văn Trúc, ở ấp Lộc Trung, xã Mỹ Lộc cho biết: “Từ ngày 17, 18 tháng 10 (âm lịch), tôi bắt đầu ươm hạt. Với 7.000m2 dưa hấu, tôi ươm khoảng 2.500 hạt giống Mặt trời đỏ. Trung bình, với 1.000m2 đất trồng dưa, năng suất đạt 3-3,5 tấn. Năm trước, dưa được bán tại vườn với giá 6.500 đồng/kg (từ 3,5-4kg/trái). Hy vọng, năm nay, dưa đạt năng suất cao và bán được giá hơn”.


Người làm vườn chăm sóc cây cảnh phục vụ thị trường tết

Cán bộ Khuyến nông xã Mỹ Lộc - Ngô Quang Duy Trung thông tin: Năm nay, Mỹ Lộc có khoảng 90-100 hộ trồng dưa tết với tổng diện tích 35ha, chủ yếu là giống Mặt trời đỏ, một số ít là dưa An Tiêm. So với năm trước, diện tích trồng dưa giảm 1/2 vì giá bấp bênh, chi phí đầu tư cao. Ngoài ra, Mỹ Lộc còn trồng rau màu quanh năm với các loại xà lách xoong, cải ngọt, rau gia vị. Xã cũng có khoảng 8 hộ trồng hoa lan quanh năm. Riêng hoa vạn thọ thì trước tết khoảng 1 tháng, nông dân xuống giống khoảng 2ha.

Thời điểm này, những người trồng hoa kiểng cũng tất bật chăm sóc cây chuẩn bị phục vụ tết. Do nông dân trồng hoa tự phát nên không có con số thống kê cụ thể. Bà Võ Thị Sảnh, ở khu phố Bình An 2, phường 7, TP.Tân An) đang “dưỡng” khoảng 400 gốc sứ lớn (trồng từ 5-6 năm), gần 1.000 gốc nhỏ phục vụ thị trường tết. “Hàng năm, nhà tôi đều có gian hàng bán hoa tết tại Công viên TP.Tân An. Trồng sứ ít sâu bệnh, chi phí và công chăm sóc không nhiều nên mang lại hiệu quả kinh tế cao” - bà Sảnh chia sẻ.

Chị Lê Thị Hằng, ngụ xã Long Trạch, huyện Cần Đước cũng đang chăm sóc gần 500 gốc sứ Thái. Vườn kiểng của chị còn có trên 400 gốc mai lớn, nhỏ, từ mai ghép ít năm tuổi cho đến mai “lão” vài chục năm với giá trị từ vài chục ngàn đến vài chục triệu đồng. Theo chị Hằng, hoa mai tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc nên ai cũng muốn có một chậu mai nở đúng lúc để gia đình may mắn cả năm.


Vườn hoa nhà anh Huỳnh Văn Thi đang sinh trưởng tốt

Tại TP.Tân An, những năm qua, nông dân đầu tư trồng hoa vạn thọ phục vụ tết. 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Phúc, ở ấp Vĩnh Bình, xã An Vĩnh Ngãi, gắn liền với nghề trồng hoa vạn thọ. Năm này, ông trồng khoảng 7.000 gốc, trong đó có 5.000 gốc ra hoa vào dịp tết và 2.000 gốc bán vào rằm tháng Giêng. Với hoa tết, ông mua giống từ Sa Đéc (Đồng Tháp), còn hoa cho rằm tháng Giêng thì ông mua hạt giống từ đại lý về tự ươm trồng. Hầu hết, hoa được bán tại nhà cho “mối” quen.

Theo ông Phúc, trồng hoa cần có sự tỉ mỉ, chăm chút cẩn thận. Để chăm bón cho 7.000 gốc vạn thọ, ngoài 3 người trong gia đình ông, những lúc cao điểm như đặt cây con xuống đất, tỉa hoa, nhổ cỏ, ông còn thuê thêm 5-7 lao động.

Dịp tết này, anh Huỳnh Văn Thi, ở ấp Bình Nam, xã Bình Tâm trồng khoảng 10.000 chậu hoa các loại: Vạn thọ, cúc, mào gà, hồng, sống đời, cát tường, dừa cạn,... Anh Thi chia sẻ: “Trước đây, tôi đi làm công cho các nhà vườn ở Sa Đéc. Khi về quê, tôi tiếp tục gắn bó với nghề trồng hoa. Tôi học cách trồng nhiều loại hoa khác như: Cát tường, dạ yến thảo, đồng tiền,... Do có thâm niên trồng hoa nên tôi thường có khách quen đến nhà mua hoặc bán qua thương lái. Nếu còn dư thì tôi đem bán ở chợ hoa xuân tại Công viên TP.Tân An. Giá bán hoa không thể định trước mà thường phải theo giá của các nhà vườn khác tại Đồng Tháp, Bến Tre”.

Các giống hoa mà anh Thi trồng có loại lấy từ Đà Lạt, có loại đặt người quen tại Sa Đéc. Riêng hoa vạn thọ thì anh mua hạt tự ươm. Ngay từ giữa năm, anh chuẩn bị giỏ hoa, làm đất, sửa sang lại giàn đặt hoa,... Mỗi loại hoa có thời gian sinh trưởng khác nhau nên thời điểm ươm hạt cũng khác,... Việc tưới nước, phun thuốc, bón phân phải kịp thời, tỷ lệ pha trộn phân, đất phải đúng thì hoa mới nở theo mong muốn. Theo anh Thi, năm nay, giá vật tư tăng lên “chút đỉnh” so với năm trước, hy vọng thời tiết thuận lợi để có vụ mùa bội thu.

Một mùa xuân nữa cận kề, những nhà nông, người làm vườn đang cố gắng vun trồng, chăm bón những luống rau, vườn kiểng với niềm hy vọng một vụ mùa thuận lợi. Mong rằng năm mới này, nhà nông ai ai cũng trúng mùa, trúng giá để đón một cái tết đầm ấm, sung túc hơn.

1. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu tháng 12-2016, diện tích rau màu các loại vụ Đông Xuân 2017 toàn tỉnh hiện có khoảng 2.740ha. Trong đó, dưa hấu gần 592ha, thu hoạch 10ha, năng suất ước đạt 190 tạ/ha, sản lượng 190 tấn.

2. Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Phạm Minh Hùng, người dân tập trung trồng các loại rau màu, hoa kiểng phục vụ tết là điều tất yếu. Tuy nhiên, yếu tố rủi ro cũng là việc không tránh khỏi vì phải phụ thuộc vào yếu tố cung - cầu của thị trường. Trước khi chuẩn bị vào vụ tết, các cấp Hội Nông dân tăng cường phối hợp các ngành trong khối nông nghiệp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ kỹ thuật trồng, định hướng sản xuất phù hợp cho người dân.

Ngoài ra, hội còn tạo điều kiện để nông dân tiếp cận vốn từ các ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ nông dân. Các cấp hội theo dõi sát tình hình trồng trọt, kịp thời phối hợp hỗ trợ khi gặp rủi ro. Hội cũng đề nghị ngành nông nghiệp tăng cường hỗ trợ nông dân, nhất là ứng phó với điều kiện về thiên tai, dịch bệnh. Từ đó, bảo đảm việc sản xuất được thuận lợi, kịp thời phục vụ thị trường tết; nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp, bình ổn thị trường không chỉ riêng Long An mà còn hướng đến thị trường TP.HCM.

Mai Hương - Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết