Tiếng Việt | English

09/02/2016 - 10:47

Người miền Tây ăn tết

Một mùa xuân mới đang đến, nhắc đến hương vị tết xưa bên chung trà, chén rượu tết nay, cùng nâng cao ý thức bảo tồn những nét văn hóa độc đáo, bản sắc của dân tộc.

Cánh đồng mùa xuân Ảnh: HỮU TUẤN

1. Nam bộ là vùng đất trù phú, màu mỡ, nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa từ khắp mọi miền. Quá trình tiếp xúc ngôn ngữ và giao lưu văn hóa giữa cư dân bản địa với di dân từ nhiều khu vực khác nhau, trải qua mấy trăm năm, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất phương Nam này.

Ca dao xưa có câu “Chiều chiều én liệng chân trời/ Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây” để nói về vùng đất Nam bộ xưa, vùng đất rộng mở đón nhận bàn chân của người đi khẩn hoang lập ấp, từ đó tạo nên tính cách của con người Nam bộ: Phóng khoáng, cởi mở, bộc trực, trọng nghĩa, trọng tình; trong đó, việc bảo lưu, tiếp biến truyền thống văn hóa của cha ông qua bao đời được người dân Nam bộ gìn giữ và phát huy.

Nhiều nghi thức, lễ hội truyền thống vẫn tồn tại và phát triển; các tục lệ thờ cúng ông bà, ẩm thực ngày tết vẫn là nét văn hóa độc đáo. Trong đó, “ăn tết” là một hoạt động văn hóa bao hàm nhiều ý nghĩa thiêng liêng chứ không chỉ đơn thuần là “ăn”. Đến giữa tháng Chạp, câu hỏi “Có về quê ăn tết không?” là câu hỏi thường xuyên của nhiều người. Lạ thật, phải “về quê ăn tết” mới là... tết, dù điều kiện ở thôn quê không sánh bằng thành phố nhưng trong tâm thức của nhiều người thì “về quê” chính là về với cội nguồn, là hưởng cái hương vị tết. Tết đối với người dân Nam bộ là một thời điểm cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa trong năm. Chính vì vậy, nói đến một năm tức là nói đến tết:

Một trăm năm - một trăm cái tết,
Nếu không kết đặng duyên hài
Nằm lăn xuống đất lạy hoài ông tơ.

(Ca dao dân ca - Đồng Tháp)

2. Cứ vào đầu tháng Chạp, khi gió se se lạnh tràn về thì nhà nhà rộn ràng chuẩn bị đón tết. Cái không khí chộn rộn ấy lan tỏa khắp mọi nơi:

Chim kêu ba tiếng ngoài sông,
Mau lo lựa nếp, hết đông tết về.
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Mong cho đến tết, dựng nêu ăn chè.

Người ta lo hoàn tất những việc còn lại để bước sang năm mới thong dong. Nơi thôn quê, việc thu hoạch mùa màng, lúa thóc hết sức khẩn trương. Từ giữa tháng Chạp, người ta bắt đầu tuốt lá mai, cắt tỉa cành, các nhà vườn chuẩn bị đưa hoa xuôi ngược sông hồ để kịp vào các chợ. Phản ánh cái không khí chộn rộn này, ở Châu Thành, Cần Thơ có bài vè “Ăn tết” khá hay:

Nghe vẻ nghe ve, nghe vè ăn tết,
Kẻ lo gạo hết, người lại tiền không
Lo sao đừng nhắc, đừng trông (...)
Không ai mạnh, mượn quết bánh phồng
Mua mớ lá dong, mua hành, mua hẹ
Làm cho nhanh lẹ, chớ khá chần chờ
Vừa quét dọn giường thờ
Hối vợ con dắt nhau đi chợ...
Nhang với bánh mua đầy một thúng
Liệu vừa đủ cúng ba ngày.

Đến ngày 23 tháng Chạp thì coi như tết về, khi mọi nhà chuẩn bị lễ cúng đưa ông Táo về trời. Đây là một phong tục thuần Việt có từ thời Hùng Vương dựng nước lưu truyền đến tận ngày nay. Tuy nhiên, ông Táo trong tín ngưỡng dân gian Nam bộ - theo cách nói của nhà văn Sơn Nam là chịu ảnh hưởng của “nền văn minh miệt vườn”.

Bởi lẽ, từ thuở theo chân người đi mở cõi, lênh đênh trên sông nước, ông Táo (ba ông đầu rau) khởi đầu chỉ là cái bếp với 3 hòn đá tự nhiên, sau đó là 3 hòn đất nặn, rồi đến cái cà ràng (kiểu bếp của người Khơme Nam bộ) để phù hợp với địa hình sông nước nơi đây. Bếp là nơi Táo quân (hai ông-một bà) ngự trị, trông coi củi lửa, giữ ấm gia đình. Phổ biến tại các bếp của người Nam bộ là trang thờ Táo Quân gồm bài vị “Định phúc Táo Quân” với 2 câu đối 2 bên “Hữu đức năng tương hỏa/ Vô tư khả đạt thiên” (có đức nên có thể quản lý được lửa, việc vô tư, không thiên vị có thể thấu đến trời).

Khi hết năm, Táo Quân có nhiệm vụ về trời bẩm tấu lại những điều tốt - xấu của gia chủ cho Ngọc Hoàng Thượng đế biết. Vật phẩm cúng ông Táo vào ngày này gồm: Áo mão mới, giấy vàng mã để làm lộ phí và bộ cò bay ngựa chạy - phương tiện di chuyển trên bộ, trên không cho Táo Quân. Để ông đủ sức đi, người ta cúng bánh kẹo, chè xôi, thường là chè trôi nước. Lý do người ta cúng đồ ngọt cũng là vì muốn Táo Quân báo cáo với Ngọc Hoàng “lời ngọt ngào”.

Sau khi đưa Táo Quân về trời, nhà nhà chuẩn bị cho ông bà, tổ tiên ăn tết. Theo quan niệm dân gian, tết chủ yếu là lo cho ông bà, tổ tiên trước, sau đó mới đến mình. Người ta tin rằng, tuy tổ tiên, ông bà đã khuất nhưng linh hồn vẫn còn, luôn phù hộ cho con cháu (Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn) cho nên từ sau ngày 23 tháng Chạp, đặc biệt là vào ngày 25, người ta kéo nhau đi tảo mộ, lau chùi, nhổ cỏ, quét tước, sơn phết lại mộ phần, coi như sắm sửa tết cho ông bà. Tục tảo mộ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện tình cảm Uống nước nhớ nguồn, tri ân tổ tiên.

Những món ăn trong mâm cơm cuối năm Ảnh: Internet

Từ sau ngày này trở đi, khắp nơi rộn ràng hẳn lên, người ta chuẩn bị đi mua sắm. Ở miền quê, không khí đón tết tràn ngập, người ta lau dọn nhà cửa, tát đìa, giở chà, tháo đập bắt tôm, cá,... làm thức ăn trữ ba ngày tết. Những chợ tết, chợ hoa trên sông cũng bắt đầu nhộn nhịp.

Nhiều nơi ở Nam bộ vẫn còn giữ tục gói bánh tét, bánh ít cúng rước ông bà ngày 30, do vậy những ngày này, người ta chuẩn bị lá chuối, gạo nếp, bột, đậu xanh, thịt mỡ,... Có nhiều nơi ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau,... vẫn còn giữ tục quết bánh phồng làm món đãi khách trong ba ngày xuân. Những hoạt động này làm cho không khí sum họp gia đình thêm nồng ấm. Ngày nay, tục dựng cây nêu dường như không còn thấy ở các vùng quê Nam bộ.

Ngày 30 tết có thể nói là ngày trang trọng, ý nghĩa nhất đối với người dân Nam bộ. Đây là ngày lễ cúng thỉnh rước ông bà, tổ tiên về ăn tết với con cháu. Từ sáng sớm, người ta chuẩn bị cho việc cúng bái. Phụ nữ thì lo nấu nướng, nam giới thì lau dọn bàn thờ gia tiên (có nơi gọi là giường thờ), bày biện vật cúng.

Các bộ chân đèn, lư đồng được lau chùi, đánh bóng. Một chậu mai vàng rực rỡ được đặt trước bàn thờ. Trên bàn thờ là mâm quả gồm: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sau này, người ta thêm quả sung cho đúng nghĩa mâm “ngũ quả” và đọc theo phát âm của người Nam bộ với mong muốn: “Cầu vừa sung đủ xài” hoặc “cầu vừa đủ xài sung”.

Người Nam bộ cũng cầu mong sự cân xứng (để phát triển) và sự thơm tho nên bàn thờ gia tiên không thể thiếu cặp dưa hấu và ba quả thơm, mà thơm có con càng nhiều càng tốt, biểu hiện cho sự sinh sôi, nẩy nở. Bàn thờ gia tiên cũng không thể thiếu nhang, đèn, giấy tiền, vàng mã, quần áo mới. Đặc biệt, bàn thờ gia tiên không thể thiếu cặp bánh tét, bánh ít. Bánh tét (hay bánh đòn) tượng trưng cho sự đủ đầy, trọn vẹn của đất trời, bởi bánh được gói chặt bằng lá chuối, bên trong là nếp ngon được lựa kỹ. Nhân của bánh mặn thường là thịt, mỡ, đậu xanh; còn bánh chay, bánh ngọt thì nhân là chuối hay đậu xanh.

Tên gọi “tét” cũng được giải thích theo những cách hiểu dân gian, có người cho rằng “tét” là “tết”, có người lại giải thích “tét” chính là “tách” vì khi ăn người ta tách bóc vỏ lá chuối xong thì dùng dây lạt buộc bánh để cắt, tách bánh thành từng khoanh.

Mâm cúng rước ông bà thì có nhiều món nhưng chủ yếu vẫn là thịt kho tàu, dưa giá, canh khổ qua, bì cuốn bánh tráng, tôm khô, củ kiệu. Thức uống thì không thể thiếu rượu, mà phải là rượu đế ngon, trong vắt.
Sau khi lễ cúng rước ông bà xong thì gia đình tề tựu bên mâm cơm cuối năm.

Từ đây trở đi, tết thực sự đến với mọi nhà. Người ta không làm gì khác ngoài việc vui chơi, nghỉ ngơi chờ đón thời khắc giao thừa,... Trước khi bày mâm cúng đón giao thừa, nhà nhà tranh thủ cúng rước ông Táo, để ông tiếp tục trông coi việc củi lửa, bếp núc cho gia đình trong năm mới.

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng, người ta bày bánh tét, hoa quả, dưa hấu cúng đất trời, tổ tiên, ông bà, cầu cho một năm mới an lành, tốt đẹp, thịnh vượng. Ngay sau khi đón giao thừa, nhiều người xuất hành đi lễ chùa, thắp hương khấn nguyện một năm mới tốt lành.

Đối với người Nam bộ ngày nay, ba ngày tết là những ngày thăm viếng, vui chơi, nghỉ ngơi,... Câu nói xưa Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy hay Mùng một thì ở nhà cha, mùng hai nhà vợ, mùng ba nhà thầy hình như không còn được tuân thủ. Ngày mồng một chủ yếu là dành cho gia đình sum họp, sau đó trong những ngày còn lại, người ta nghĩ đến việc đi thăm bà con, họp mặt bạn bè, vui chơi, ăn uống như câu nói cửa miệng “Làm 1 năm, ăn 3 ngày”:

Bữa mồng một bước qua,
Bữa mồng hai bước lại.
Có bầu gánh hát thiệt đà vui vẻ
Kẻ lắm tiền làm hơi mạnh mẽ
Hễ ra đi thì kiếng rọi, phấn dồi, (…)

(Vè Tết - Gia Định)

Ở thôn quê, dân gian cũng có câu Mồng một tết nhà, mồng ba tết chuồng, mồng bốn mới ra vườn tết cây (Bến Tre) cho thấy những biến đổi trong cách ăn tết khác nhau của người Nam bộ. Trong ba ngày đầu năm, người ta thường kiêng kị nhiều việc như: Không quét nhà, không ngắt cây, bẻ cành (thường thì người ta tưới đẫm cho cây trước 30 tết), không cãi vã, không làm đổ vỡ đồ đạc trong nhà,...

Đến mồng 3 tết, người ta lại dọn một mâm cơm cúng tiễn ông bà về cõi thiêng sau khi ăn tết với con cháu, gồm một con gà to béo, no tròn, có cặp chân đẹp. Mâm cơm còn có canh rau, đồ xào, nước chấm, trà, rượu để ông bà hưởng thực, mát ruột, mát lòng. Người ta hóa vàng sau khi cúng để ông bà có quần áo mới, có tiền tiêu suốt năm. Cặp chân gà được treo ở cửa chính (bên cạnh hình ông cọp) với mong ước năm mới “mạnh chân, khỏe tay” làm ra tiền.

Ở nông thôn, nhiều nhà còn dùng giấy đỏ cắt thành hình bầu rượu dán ở các cửa ra vào, trên khạp nước, ở những gốc cây trong vườn theo tục ra mắt ngũ thổ long thần và thổ thần (còn gọi là “tết vườn”).

Ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước, cuộc sống trở nên hối hả hơn, mọi người không có nhiều thời gian như trước, nhất là người ở thành thị, do vậy, hết mồng 3 xem như hết tết, người ta rục rịch trở lại với công việc thường ngày, nhiều lễ tục trước kia dần lược bỏ như lễ cúng hạ nêu.

Một mùa xuân mới đang đến, nhắc đến hương vị tết xưa bên chung trà, chén rượu tết nay, cùng nâng cao ý thức bảo tồn những nét văn hóa độc đáo, bản sắc của dân tộc./.

Đông Phương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích