Tiếng Việt | English

16/05/2025 - 10:14

Hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo động lực thu hút đầu tư

Xác định đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông - vận tải (GTVT) phục vụ phát triển KT-XH, những năm qua, tỉnh ưu tiên huy động nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao, mở ra những dư địa phát triển mới cho tỉnh, nhất là trong công tác thu hút đầu tư.

35_148_54.jpg

Công trình trọng điểm Đường tỉnh 830E giúp kết nối giao thông từ các tuyến đường của tỉnh với đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 4 TP.HCM, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư

Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông

Long An có vị trí địa lý thuận lợi khi nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ miền Đông Nam Bộ đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Tỉnh có đường biên giới quốc gia, hệ thống các cửa khẩu, cảng sông ra biển, nhất là tiếp giáp TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước nên có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển KT-XH.

Với vị trí chiến lược đầy tiềm năng, việc phát triển đồng bộ hệ thống GTVT rất quan trọng, không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của tỉnh mà còn của khu vực. Xác định được tầm quan trọng đó, trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, việc huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông được xác định là một trong những chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Hàng loạt công trình giao thông lớn, có tính kết nối liên vùng được đầu tư, đưa vào sử dụng, góp phần hoàn thiện hệ thống GTVT của tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Riêng trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh xác định 3 công trình giao thông trọng điểm gồm hoàn thiện đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; Đường tỉnh (ĐT) 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT830) và ĐT827E. Đây đều là các công trình có ý nghĩa chiến lược trong phát triển KT-XH.

Trong đó, tuyến đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2023, tạo trục giao thông liên hoàn, xuyên suốt, mở ra không gian phát triển đô thị mới của TP.Tân An.

Đối với công trình ĐT830E, hiện các đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch vào cuối năm 2025. Dự án (DA) này không chỉ góp phần chỉnh trang, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An mà còn kết nối giao thông từ các tuyến đường của tỉnh với đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 4 TP.HCM, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư.

Hiện tỉnh cũng hoàn tất các thủ tục để triển khai DA ĐT827E nhằm từng bước hình thành trục động lực kinh tế quan trọng kết nối TP.HCM với Long An và Tiền Giang.

Bên cạnh các công trình trọng điểm, tỉnh tích cực triển khai các công trình thuộc Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với các DA như ĐT823D, nâng cấp ĐT825, đường Lương Hòa - Bình Chánh,... để hoàn thiện hệ thống GTVT của tỉnh một cách đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao, qua đó tạo sự khác biệt, dấu ấn để tỉnh có thế chủ động trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

Tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội

35_842_49.jpg

Tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM sắp hoàn thành giúp tỉnh có thêm các dư địa phát triển mới

Thông tin từ Sở Tài chính, Long An là tỉnh đầu tiên của khu vực phía Nam và là địa phương thứ 10 cả nước được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam, trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối chặt chẽ với TP.HCM, Vùng Đông Nam Bộ và là đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.

Theo Giám đốc Sở Tài chính - Trương Văn Liếp, triển khai Quy hoạch tỉnh, thời gian qua, tỉnh tập trung huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể.

Đặc biệt, tỉnh dành sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng GTVT với các DA giao thông lớn, trọng điểm có tính kết nối vùng nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Những DA giao thông quan trọng đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh như đường Vành đai TP.Tân An, đường Vành đai 3 TP.HCM, ĐT823D, ĐT830E,... sau khi hoàn thành sẽ góp phần rất lớn để hoàn thiện hệ thống giao thông, khơi thông các điểm nghẽn, giúp tỉnh vươn lên trong phát triển kinh tế.

Theo số liệu thống kê, trong nhiệm kỳ này, sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển bền vững hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư có năng lực. Chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi qua từng năm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2020-2025 ước tăng 6,62% năm, quy mô ngành công nghiệp không ngừng tăng lên, đến năm 2025 ước đạt 102,7 ngàn tỉ đồng, tăng 69,4% so với năm 2020.

Đặc biệt, chất lượng môi trường đầu tư được cải thiện khi tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Trong đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh duy trì ở thứ hạng cao, đặc biệt năm 2023 đứng thứ 2 cả nước, năm 2024 đứng thứ 3 cả nước. Điều này giúp tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là đầu tư FDI đứng tốp 10 cả nước, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp sạch.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20.165 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tổng vốn 400.967 tỉ đồng; 2.287 DA đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 510.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh thu hút 1.409 DA đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký gần 12,8 tỉ USD, riêng trong nhiệm kỳ thu hút khoảng 300 DA với vốn đầu tư hơn 4,6 tỉ USD; trong đó, có 635 DA hoạt động với tổng vốn đầu tư 4,213 tỉ USD.

Nhiều nhà đầu tư chiến lược, các DA quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao triển khai đầu tư tại tỉnh, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế như DA Nhà máy Điện LNG với vốn đăng ký hơn 3,1 tỉ USD, DA Suntory Pepsico Long An với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 185 triệu USD, DA Chi nhánh Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Long An với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 136 triệu USD, Nhà máy hoàn thiện sản phẩm Dệt Thái Tuấn với tổng vốn đầu tư đăng ký 12.800 tỉ đồng,...

Ông Trương Văn Liếp cho rằng, đầu tư hệ thống giao thông không chỉ giảm ùn tắc giao thông, vận chuyển hàng hóa thuận tiện mà còn rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa các khu, cụm công nghiệp, các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh với các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này giúp doanh nghiệp giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh.

Đây cũng là cơ hội, điều kiện giúp tỉnh có lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác và mở ra các dư địa phát triển mới trong thu hút đầu tư, nhất là các DA về công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ trong tương lai./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết