Tiếng Việt | English

24/09/2015 - 10:03

Hoạt động chuyển giao chứng thực còn nhiều bất cập

Những năm qua, hoạt động công chứng - chứng thực trên địa bàn tỉnh Long An từng bước đi vào nền nếp, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, việc chuyển giao công tác chứng thực hợp đồng, giao dịch về bất động sản từ UBND cấp huyện, cấp xã cho các tổ chức hành nghề công chứng còn bộc lộ nhiều hạn chế, gây bức xúc trong nhân dân.


Công tác chứng thực các hợp đồng, giao dịch về bất động sản đã được chuyển giao từ UBND cấp huyện, xã sang tổ chức hành nghề công chứng

Giảm bớt gánh nặng cho cơ quan nhà nước

Đến nay, tỉnh Long An đã thực hiện xong việc chuyển giao công tác chứng thực các hợp đồng, giao dịch về bất động sản từ UBND cấp huyện, xã sang tổ chức hành nghề công chứng. Toàn tỉnh hiện có 26 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động tại 15 huyện, thị xã và thành phố. Hoạt động công chứng cơ bản đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân, đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Từ năm 2014 đến ngày 30-6-2015, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết được 236.215 hợp đồng, giao dịch, số phí công chứng thu là 46.219.459.632 đồng, đã nộp ngân sách và nộp thuế 10.510.416.107 đồng.

Việc thành lập các văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh đã giúp cho người dân có thêm cơ hội lựa chọn, giảm quá tải tại các phòng công chứng, giảm biên chế Nhà nước, chấm dứt sự độc quyền của các phòng công chứng, tạo sự cạnh tranh giữa các tổ chức hành nghề công chứng, tạo động lực cho công chứng viên phát huy tính tích cực, chủ động, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ông Trần Bá Tòng - người dân ở thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng phấn khởi: “Việc chuyển giao công tác chứng thực các hợp đồng giao dịch về bất động sản từ UBND cấp huyện, xã sang tổ chức hành nghề công chứng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chúng tôi trong việc thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản. Đặc biệt, các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nói chung và hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nói riêng được thực hiện đúng quy định của pháp luật, hạn chế được sai sót”.

Việc chuyển giao công tác chứng thực các hợp đồng giao dịch về bất động sản từ UBND cấp huyện, xã sang tổ chức hành nghề công chứng còn nhằm mục đích tạo an toàn pháp lý đối với các hợp đồng giao dịch về bất động sản, giúp ngăn ngừa, rủi ro, tránh các tranh chấp pháp lý phát sinh về sau. Điều đáng nói là giúp UBND cấp xã có nhiều thời gian thực hiện công tác quản lý Nhà nước, góp phần tích cực nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về chủ trương xã hội hóa công chứng của Đảng và Nhà nước về vai trò và ý nghĩa của hoạt động công chứng trong nền kinh tế thị trường.

Còn nhiều khó khăn

Các tổ chức hành nghề công chứng hiện nay chủ yếu chỉ tập trung ở trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, nên chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu về công chứng, nhất là các địa phương có địa bàn rộng, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Trình tự, thủ tục ở một số nơi còn thiếu chặt chẽ, chưa thật sự bảo đảm tính xác thực của hợp đồng, giao dịch; có những công việc do tổ chức hành nghề công chứng phải thực hiện nhưng lại giao cho người dân thực hiện. Mặt khác, một số tổ chức hành nghề công chứng có diện tích trụ sở hẹp nên chưa bố trí nơi tiếp công dân, cũng như phòng làm việc của công chứng viên, nhân viên và kho lưu trữ hồ sơ công chứng.

Ông Ngô Văn Thành, ngụ xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng nói: “Văn phòng công chứng nhận hợp đồng thực hiện giao dịch cho khách hàng, thu phí, lệ phí đầy đủ. Tuy nhiên, văn phòng không cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở xác minh mà yêu cầu chúng tôi phải tự mang phiếu cung cấp thông tin địa chính đến UBND xã để xác nhận. Không ít loại giấy tờ, chúng tôi phải đi nhiều lần mới thực hiện xong công việc theo yêu cầu của văn phòng công chứng, gây tốn kém thời gian, chi phí đi lại”.

Theo Trưởng Văn phòng Công chứng huyện Tân Thạnh - Lê Thiện Đức, sau 3 năm đi vào hoạt động, văn phòng đã giải quyết 12.000 hồ sơ có giá trị pháp lý cao và chưa có tranh chấp nào liên quan đến các hợp đồng, giao dịch xảy ra. Việc người dân khi tham gia giao dịch tại văn phòng phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân, giấy kết hôn, phải có đủ các đồng sở hữu ký tên mới đúng quy định; có như thế, mới bảo vệ được quyền và lợi ích cho khách hàng, bảo đảm giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Một trong những cái khó của văn phòng hiện nay là còn nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa kịp thời chỉnh lý, cập nhật bổ sung thông tin như: Quyền sở hữu nhà, giấy cấp cho hộ, chưa gia hạn thời hạn sử dụng đất, giấy kết hôn, chứng minh nhân dân chưa trùng khớp với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho hoạt động của văn phòng.

Để từng bước khắc phục những hạn chế trên, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về lĩnh vực chứng thực cho đội ngũ tư pháp cơ sở; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động chứng thực, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức khi có nhu cầu về giao dịch, chứng thực./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết
  • SAO KHÔNG ĐỂ NGƯỜI DÂN TỰ LỰA CHỌN CÔNG CHỨNG HOẠC CHỨNG THỰC .Bộ tư pháp đã có công văn số 2271 hướng dẫn về công chứng hoặc chứng thực!

    Phan Thanh Mai - Cách đây 9 năm

  • Hiện nay khi người dân có nhu cầu vay để sản xuất thì không cần phải nộp lệ phí chứng thực và lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm nếu người dân được lựa chọn chứng nhận tại UBND cấp xã theo Nghị định 55/2015, còn nếu chứng ở phòng công chứng thì người dân phải trả phí công chứng. VẬY TẠI SAO TỈNH LONG AN CHƯA CHO NGƯỜI DÂN ĐƯỢC QUYỀN LỰA CHỌN CÔNG CHỨNG HOẶC CHỨNG THỰC THEO LUẬT ĐẤT ĐAI MỚI QUY ĐỊNH

    Phạn Nguyễn Hà - Cách đây 9 năm