Tiếng Việt | English

17/07/2019 - 14:20

Học nghề - Lựa chọn của sự thành công

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề rất lớn. Do đó, học nghề sau khi ra trường dễ tìm được việc làm phù hợp chuyên môn, với mức lương ổn định, nhất là dễ thăng tiến trong công việc.

Anh Phan Thanh Lâm (bìa trái) theo sát quá trình làm việc của công nhân trong tổ

Anh Phan Thanh Lâm (bìa trái) theo sát quá trình làm việc của công nhân trong tổ

Đứng lên sau thất bại

Từng đi làm công ăn lương, tự kinh doanh nhưng cuối cùng vẫn thất bại, do đó, anh Phan Thanh Lâm (SN 1975, ngụ ấp Sò Đo, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) quyết định chọn học nghề tại Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa (nay là Trường Cao đẳng Nghề Long An - cơ sở Đức Hòa) để làm lại từ đầu.

Trải qua liên tiếp những thất bại, hơn ai hết, anh Lâm hiểu rõ phải có một cái nghề trong tay mới tìm kiếm được công việc ổn định, có thu nhập tốt. Vậy là, anh Lâm quyết tâm mở ra trang mới của cuộc đời, với khởi đầu là học nghề cắt gọt kim loại, hệ trung cấp ở tuổi 33.

Anh Lâm tâm sự: “Có lẽ, tôi là người lớn tuổi nhất trong những học sinh đăng ký học trung cấp tại trường. Khi ấy, việc học của tôi cũng gặp đôi chút khó khăn khi vừa học ở trường, vừa đưa đón con đi học. Nhưng những trở ngại ấy lại là động lực để tôi cố gắng hơn trong việc đứng lên sau những thất bại trước đó. Trong quá trình học, tôi chú trọng rèn luyện tay nghề giỏi với mong muốn ra trường tìm được một công việc tốt”.

Nhờ nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của nhà trường, anh Lâm có được việc làm ngay trong ngày hội việc làm do trường tổ chức trước khi tốt nghiệp trung cấp năm 2010. Đó cũng là thời điểm anh bắt đầu lại sự nghiệp của bản thân. Bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, anh Lâm không ngừng học hỏi, tiếp cận những kiến thức mới dựa trên kiến thức nền được học tại trường. Từ đó, anh tạo được ấn tượng tốt với đồng nghiệp và quản lý của công ty. Và, sau thời gian làm việc, anh Lâm được thăng chức. Hiện, anh là Đội trưởng Đội Cắt dập, Công ty Cổ phần Thang máy Thiên Nam (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa).

Anh Lâm cho biết: “Mặc dù kiến thức học được ở trường và thực tế công việc có khác nhau nhưng kiến thức ở trường là kiến thức cơ bản và nền tảng vững chắc. Nhờ vậy, tôi học hỏi và tiếp thu nhanh công nghệ mới, quy trình làm việc hiện đại tại công ty. Hơn hết, khi có tay nghề, vị trí việc làm được bảo đảm và có cơ hội thăng tiến. Hiện nay, thu nhập của tôi trên 8 triệu đồng/tháng”.

Vượt lên chính mình

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Triệu Mẫn, ngụ xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa. Được biết, trước đây, anh Mẫn học rất yếu nhưng gia đình “ép” phải tốt nghiệp THPT và thi đại học. Trong khi đó, anh nhiều lần bày tỏ ý kiến với gia đình là không có khả năng hoàn thành chương trình THPT và muốn học nghề. Và khi ý kiến không được chấp nhận, học lực của anh ngày càng đi xuống, đỉnh điểm là năm lớp 11, anh chính thức nghỉ học và bỏ gia đình đi làm công nhân.

Anh Nguyễn Triệu Mẫn khẳng định: Các bạn học sinh có học lực yếu hãy mạnh dạn chọn học nghề đề không mất thời gian, tiền của

Anh Nguyễn Triệu Mẫn khẳng định: Các bạn học sinh có học lực yếu hãy mạnh dạn chọn học nghề đề không mất thời gian, tiền của

Làm công nhân được một thời gian, anh Mẫn nhận thấy đây chỉ là công việc tạm thời, không có tương lai, rất vất vả. Từ đó, anh mạnh dạn đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Long An, hệ Trung cấp ngành điện - điện lạnh song song với học văn hóa. Anh Mẫn tâm sự: “Giá như tôi biết vượt qua chính mình, kiên quyết với gia đình trong việc học nghề thì không phí thời gian 3 năm. Vì vậy, tôi khuyên các bạn có học lực yếu hãy mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ của mình cho gia đình biết, nhất là hãy mạnh dạn chuyển sang học nghề. Có như vậy, các bạn mới không phí những năm tháng tuổi xuân và tương lai. Còn tôi rất may mắn khi nhận ra kịp và tìm hướng đi đúng cho tương lai của mình”.

Trong thời gian học nghề, anh Mẫn rất siêng năng, tìm tòi học hỏi, đồng thời được nhà trường tạo điều kiện cho cọ xát thực tế bằng những tiết thực hành sinh động. Nhờ vậy, anh có tay nghề cao, ra trường tìm được việc làm ngay, với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng.

Anh Mẫn cho biết thêm: “Lúc đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đang loay hoay tìm việc làm, thì tôi lại có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Làm được 2 năm, công ty chuyển lên Đồng Nai, vì xa nhà nên tôi xin nghỉ. Sau khi nghỉ, tôi nộp đơn xin việc ở Vincom Long An và được nhận vào làm bảo trì thiết bị điện. Điều quan trọng với tôi không phải là mức lương mà tôi tìm được công việc yêu thích, sống có ích cho gia đình và xã hội”.

Thăng tiến trong công việc

Nhiều người nghĩ rằng, học nghề chỉ có thể làm thợ, không thăng tiến, suốt đời làm công ăn lương,... Đây là những quan điểm chưa đúng, bởi học nghề, người học có thể tự làm chủ, thậm chí tạo việc làm cho nhiều người, dễ dàng thăng tiến trong công việc,... Và điều này được chứng minh bằng những tấm gương cụ thể. Điển hình là trường hợp anh Đặng Minh Tuấn (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) - Trưởng Văn phòng giao dịch huyện Cần Đước, Cần Giuộc của Công ty Cổ phần Viễn thông FPT - chi nhánh Long An.

Năm 2014, anh Tuấn tốt nghiệp Cao đẳng nghề, ngành Quản trị mạng máy tính tại Trường Cao đẳng Nghề Long An. Sau khi tốt nghiệp, anh được nhận vào làm nhân viên kinh doanh dịch vụ Internet và Truyền hình FPT Công ty Cổ phần Viễn thông FPT - chi nhánh Long An (TP.Tân An). Với sự siêng năng, cần cù và tay nghề giỏi, tháng 8/2015, anh được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Văn phòng giao dịch huyện Đức Hòa. Tháng 9-2018, anh chuyển về làm Trưởng Văn phòng giao dịch huyện Cần Đước, Cần Giuộc đến nay.

Anh Đặng Minh Tuấn (thứ 3, từ trái qua) tham gia sự kiện của công ty

Anh Đặng Minh Tuấn (thứ 3, từ trái qua) tham gia sự kiện của công ty

Anh Tuấn cho biết: “Học nghề có rất nhiều lợi ích. Cụ thể, người học được đào tạo lý thuyết và thực hành song song; được vận hành, đào tạo, tiếp cận các xu thế mới, nhất là các công nghệ hay kỹ thuật máy móc hiện đại; có được kinh nghiệm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường; được giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy,... Ngoài ra, sau khi làm quản lý, tôi nhận thấy công nhân có tay nghề và phổ thông có sự khác biệt rất lớn, nhất là những công việc đòi hỏi cần có chuyên môn. Nếu công nhân có tay nghề chỉ cần hướng dẫn kỹ vài lần là có thể nắm bắt và làm được ngay thì với công nhân không có tay nghề, phải mất thời gian đào tạo 3-6 tháng mới thạo việc. Hiện nay, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT - chi nhánh Long An rất cần công nhân có tay nghề”.

Anh Tuấn, anh Lâm, anh Mẫn, mỗi người có một hoàn cảnh, một cách chinh phục con đường học nghề khác nhau. Thế nhưng, điều quan trọng, cả 3 anh đều khẳng định được sự thành công của mình bằng con đường học nghề. Và điều này chứng tỏ, tùy theo khả năng của mỗi người, học nghề là một trong những lựa chọn thích ứng, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay./.

Ngọc Thạch-Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích