Tiếng Việt | English

03/09/2015 - 10:08

Học nghề - những góc nhìn

Sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh (HS) không đậu vào lớp 10, chọn học nghề dường như đó là con đường thuận lợi nhất để các em ra trường, có việc làm sớm, đặc biệt với HS có hoàn cảnh khó khăn và sức học trung bình, yếu, kém. Thế nhưng, người trong cuộc và có liên quan nhận định gì về học nghề?


Công nhân làm việc cho Nhà máy của Công ty Cổ phần Thang Máy Thiên Nam, Khu công nghiệp Việt Hóa, cụm công nghiệp Đức Hòa 3 đa số là HS trường nghề

Em Nguyễn Thành Huy, HS lớp 9/5 Trường THCS thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An chia sẻ: Cố gắng rất nhiều em mới tốt nghiệp THCS, chương trình THPT thật sự quá sức với em. Vả lại, gia đình khó khăn nên em muốn đi làm, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Do đó, em quyết định học nghề. Trước đây, em không biết nghề nào phù hợp với mình. Sau khi được tư vấn nghề nghiệp, em sẽ chọn nghề có cơ hội việc làm cao.

Còn với Nguyễn Triệu Mẫn, HS khóa K7 ngành Điện lạnh của Trường Cao đẳng nghề Long An thì: Học nghề, em vừa được học văn hóa và nghề. Nội dung chương trình học văn hóa tương đối nhẹ, chủ yếu là được học nghề và thực hành nhiều nên em hứng thú học hơn so với trước đây học văn hóa bậc THCS. Sau khi ra trường, em hy vọng sẽ có một công việc ổn định, nếu có điều kiện em sẽ học liên thông lên cao đẳng để nâng cao tay nghề.

Thầy Nguyễn Văn Hiệp - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tân Thạnh chia sẻ: Hiểu rõ đối tượng HS nào cần chọn lựa học nghề nên thầy trực tiếp dạy tiết hướng nghiệp cho HS khối 9. Trong tiết học, thầy phân tích kỹ những thuận lợi của việc học nghề và tư vấn cho các em các nghề xã hội đang cần.

Riêng về phụ huynh, bà Nguyễn Thị Chúc, 65 tuổi, ở ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa cho biết: Con bà học THCS ở mức trung bình, yếu, chật vật lắm cháu mới tốt nghiệp. Biết sức con không thể học THPT, bà quyết định cho con học nghề, hy vọng khi con ra trường có việc làm ổn định và không bị thiệt thòi như những bạn bè bỏ học nửa chừng.

Còn với doanh nghiệp, những người sử dụng lao động cũng có những đánh giá về chất lượng đào tạo nghề tại các trường nghề. Anh Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà máy của Công ty Cổ phần thang máy Thiên Nam, Khu công nghiệp Việt Hóa,

Cụm công nghiệp Đức Hòa 3 (huyện Đức Hòa) nhận xét: HS qua đào tạo nghề vào làm có thể đứng máy được ngay. Riêng HS học trái ngành, phải đào tạo lại nhưng nắm bắt rất nhanh. Hiện nhà máy có 100 công nhân, trong đó 1/2 là HS Trường Trung cấp nghề Đức Hòa, đa số các em đảm nhận các vị trí quan trọng tại nhà máy. Dự kiến, cuối năm, nhà máy sẽ tuyển thêm 10 công nhân có tay nghề của trường để bổ sung thêm nguồn nhân lực./.

Ngọc Thạch

 

 

Chia sẻ bài viết


Hiểu rõ gen z là gì Cách test tính cách mbti đơn giản