Tiếng Việt | English

14/04/2020 - 08:34

Hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19: Đúng trọng tâm, tránh dàn trải

Theo đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thời gian tới, chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ cần trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém...

Mức tăng trưởng kinh tế trong quý I chưa phản ánh hết tác động của dịch bệnh Covid-19, những ảnh hưởng sẽ biểu hiện mạnh nhất trong quý II này đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý I năm 2020 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thực hiện.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, do đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của nhiều nền kinh tế đã suy giảm trong quý I/2020. Tại Việt Nam, mức tăng trưởng kinh tế đạt mức 3,82% trong quý I, là mức tăng trưởng khá tích cực.

Tuy nhiên, tăng trưởng ở cả ba khu vực kinh tế đều suy yếu, khu vực dịch vụ chỉ tăng trưởng ở mức 3,27%, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu 0,08%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%.


Nhiều doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Mức tăng trưởng này chưa phản ánh hết tác động của dịch bệnh Covid -19 cũng như chưa tính các tác động đến khu vực kinh tế phi chính thức. Dịch bệnh đã gây hưởng mạnh lên khu vực dịch vụ, nhất là hai ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã đưa ra ba kịch bản kinh tế được xây dựng dựa trên ba kịch bản về khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và trên thế giới. Tuy vậy, ở bất kỳ kịch bản nào, sự hồi phục hoàn toàn của nhiều ngành sẽ gặp nhiều khó khăn.

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng: "Trong ngắn hạn thì chi tiêu khu vực công trong quý III, quý IV được đẩy mạnh có thể bù đắp được những khó khăn. Tuy nhiên, về mặt dài hạn thì không thể.

Và một điểm nữa tôi nhấn mạnh trong các kịch bản này là các con số tăng trưởng GDP không phản ánh hết những khó khăn thật sự của nền kinh tế do không phản ánh được đầy đủ các khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây.

Chúng ta có thể nhìn thấy ngay đó là những khu vực kinh tế vỉa hè như cắt tóc, hàng rong, rồi những quán ăn, nhà hàng… thì chịu ảnh hưởng rất nặng nề khi mà chúng ta áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội".

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho rằng, tiến trình hồi phục của kinh tế sẽ rất lâu. Với bối cảnh lạc quan, Việt Nam và thế giới có thể kiểm soát được dịch bệnh đến cuối tháng 6 thì nền kinh tế của Việt Nam sẽ bắt đầu tiến trình hồi phục vào đầu quý III.

"Tôi rất quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh. Chúng ta cũng mừng là hiện tại Chính phủ cũng đã có 3 gói hỗ trợ kinh tế. Gói thứ nhất liên quan đến tiền tệ là 300.000 tỷ, gói thứ hai là 180.000 tỷ và gói thứ ba là 62.000 tỷ để hỗ trợ người mất việc cũng như hộ kinh doanh. Thế thì với những gói như thế tôi nghĩ rằng sẽ giúp rất nhiều cho nền kinh tế để qua giai đoạn khó khăn này" - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Theo đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thời gian tới, chính sách của Chính phủ cần trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, trong mọi hoàn cảnh, chính sách ban hành phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động, những phương án thích ứng, vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh. Về dài hạn, cần có những chính sách như giữ nền tảng vĩ mô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau dịch bệnh, từng bước xây dựng đệm tài khóa, cùng với đó là việc đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết