Tiếng Việt | English

16/10/2016 - 21:06

Hội viên nông dân - Chủ thể xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, toàn tỉnh Long An có hơn 50 xã đạt chuẩn. Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể, kết quả trên có sự đóng góp to lớn của người dân, đặc biệt là hội viên Hội Nông dân (HND).

Lấy người dân làm chủ thể

Năm 2010, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM được tổ chức phát động. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong tiến trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, HND các cấp đồng loạt phát động, hưởng ứng các phong trào xây dựng NTM.


Người dân áp dụng phương tiện kỹ thuật trong sản xuất

Theo Chủ tịch HND tỉnh - Nguyễn Minh Hùng, để người dân hiểu vai trò, trách nhiệm của mình, các cấp hội thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt cũng như phát động các phong trào thi đua. Qua đó, nhận thức của người dân dần thay đổi và lực lượng này trở thành nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng NTM ở mỗi địa phương. Trong tổng số các nguồn vốn được huy động xây dựng NTM, người dân đóng góp khoảng 17%.

Phần lớn người dân xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa sống bằng nghề nông với hơn 1.078ha sản xuất lúa quanh năm. Trong xây dựng NTM, ban đầu, Mỹ An cũng gặp nhiều khó khăn do người dân chưa có nhiều điều kiện tham gia đóng góp; nhưng đến nay, tất cả các tuyến đường liên ấp đều được bêtông hóa, mức sống của người dân được nâng lên, thu nhập trung bình ước đạt 32 triệu đồng/người/năm, dự tính đến cuối năm nay, Mỹ An sẽ về đích NTM.

Chủ tịch HND xã Mỹ An - Đoàn Văn Trọn cho biết: “Kết quả đó là sự vào cuộc của các cấp chính quyền, nhưng quan trọng nhất là sự đồng tình hưởng ứng của người dân”. Theo ông, để người dân tích cực tham gia xây dựng NTM, ngoài công tác tuyên truyền thì vấn đề quyết định là phải tạo được việc làm ổn định, giảm nghèo bền vững, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, giúp người dân phát triển sản xuất. Người dân có cuộc sống ổn định thì mới có điều kiện tham gia đóng góp trong xây dựng NTM.

Xác định mục tiêu đó, hàng năm, HND xã thường xuyên phối hợp Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, xây dựng các cánh đồng “1 phải-5 giảm”, “3 giảm-3 tăng”. Hay như trong công tác giảm nghèo, từ chương trình hỗ trợ bò của Dự án Heifer cho 58 hộ ban đầu, sau 5 năm, các hộ này đều thoát nghèo bền vững, có nguồn thu nhập ổn định và trả lại bò cho dự án. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã chỉ còn 49 hộ nghèo trên tổng số 2.112 hộ.


Mô hình nuôi rắn ri cá giúp gia đình ông Nguyễn Văn Nghệ có nguồn thu nhập ổn định

Tại một số địa phương, người dân còn chủ động ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Như gia đình ông Nguyễn Văn Nghệ, ở khu phố Măng Đa, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, ngoài 3ha sản xuất lúa, gia đình ông còn dồn vốn để nuôi rắn ri cá sinh sản. Trung bình từ 5 ô nuôi rắn bố mẹ, mỗi năm, gia đình ông cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 rắn con với giá bán trung bình 50.000 đồng/con.

Hay như gia đình ông Nguyễn Văn Nguyện, ở ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, sau quá trình áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất trên diện tích 22ha lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập bình quân 97 triệu đồng/người/năm. Từ đó, gia đình ông có điều kiện giúp đỡ 8 hộ tại địa phương thoát nghèo, có việc làm ổn định và tham gia đóng góp tích cực trong các phong trào do địa phương phát động.

Gắn từng phong trào của hội với vai trò của nông dân

Chủ tịch HND tỉnh - Nguyễn Minh Hùng cho biết, để tăng thu nhập cho nông dân, làm chủ trong sản xuất nông nghiệp thì hàng năm, hội đều phát động phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ năm 2011 đến nay, có 659.870 hộ đăng ký; qua bình xét, có 317.514 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều hộ 5 năm liền được nhận bằng khen của UBND tỉnh và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Thu nhập bình quân của các hộ dân năm 2010 từ 20 triệu đồng/người/năm tăng lên trên 31 triệu đồng/người/năm vào thời điểm hiện tại.

Trong thực hiện tiêu chí về xây dựng kinh tế tập thể, HND các cấp thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia các tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Bên cạnh đó, các cấp hội còn phát động nhiều phong trào trong xây dựng văn hóa, bảo đảm an toàn giao thông, giữ vững trật tự, an ninh xóm ấp.

Đặc biệt, hội phối hợp chính quyền, MTTQ và các ngành triển khai thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ đó, phát huy được vai trò của cán bộ, hội viên trong giám sát các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị.


Dự án Heifer giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và có cuộc sống ổn định

Theo HND tỉnh, 5 năm qua, các cấp hội tích cực vận động hội viên tham gia thực hiện 19 tiêu chí NTM, chọn trọng tâm thực hiện 10/19 tiêu chí. Trong đó, nổi bật là các tiêu chí số 2, 3 về giao thông, thủy lợi. Hội viên tích cực hiến đất, góp công, góp của hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn.

Ông Nguyễn Minh Hùng cho biết thêm, hội viên trong toàn tỉnh đóng góp trên 226 tỉ đồng, hơn 104.000 ngày công lao động để xây dựng và sửa chữa trên 1.000 cây cầu, 2.300 công trình giao thông với chiều dài 3.600km, 700 công trình kênh mương nội đồng với chiều dài 1.500km và gần 400 công trình kéo điện thắp sáng.

Tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua xây dựng NTM phải kể đến hộ ông Nguyễn Lương Duyên, ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng hiến 5,7ha đất lúa trị giá khoảng 1,7 tỉ đồng hay hộ ông Nguyễn Văn Thơi, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng hiến 4,8ha đất làm đường giao thông nông thôn.

“Những kết quả trên là động lực để các cấp hội tiếp tục phấn đấu, nâng cao vai trò, chất lượng trong các phong trào do hội phát động, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM, xây dựng gia đình văn hóa, tăng mức sống, chất lượng sống của người dân tại các vùng nông thôn” - ông Nguyễn Minh Hùng nhấn mạnh./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết