Tham dự họp mặt có nguyên Chủ tịch nước – Trương Tấn Sang; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa cùng các nhà giáo kháng chiến trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa (bìa phải) tặng hoa chúc mừng nhân dịp họp mặt Nhà giáo kháng chiến
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của công cuộc kháng chiến. Hoạt động giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền cách mạng tạo dựng được những thành quả rất căn bản. Từ phong trào bình dân học vụ đến các lớp bổ túc văn hoá gắn liền với nhiệm vụ tuyên huấn, công tác giáo dục, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, tuyên truyền cổ động cách mạng, huấn luyện đào tạo cán bộ, giáo viên,… phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện tại các địa phương.
Đại biểu tham dự họp mặt Nhà giáo kháng chiến giai đoạn 1954-1975 lần thứ 2
Toàn tỉnh có khoảng 300 nhà giáo kháng chiến, trong đó có khoảng 100 nhà giáo kháng chiến qua đời. Nhân dịp họp mặt, các thầy, cô cùng gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm dạy học thời chiến; đồng thời, nhắc về những nhà giáo kháng chiến đã mất nhằm tưởng nhớ và tri ân những cống hiến của họ.
Được rèn giũa qua chiến tranh và gian khó, các thế hệ nhà giáo của tỉnh luôn thể hiện sự bản lĩnh, kiên cường và hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình. Nhiều nhà giáo, học sinh thời kỳ này trở thành những tấm gương chiến đấu anh dũng và hy sinh oanh liệt, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nhiều “hạt giống đỏ” được đào tạo từ ngôi trường giáo dục vùng giải phóng trở thành giáo viên, là lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này như nguyên Chủ tịch nước – Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Lê Thanh Tâm; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Quốc Xuân; nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Ngô Hải Phong;…
Nhà giáo kháng chiến chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa khẳng định: Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp quản lý giáo dục trong tỉnh, các thầy, cô giáo nỗ lực hơn nữa, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam, đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, ra sức thi đua và tích cực nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt chú trọng giáo dục cho học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, ông đề nghị Hội Cựu giáo chức tỉnh, Ban Liên lạc Nhà giáo kháng chiến và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thống kê danh sách nhà giáo kháng chiến, chọn nhà giáo kháng chiến tiêu biểu để sau này đặt tên cho trường học nhằm tri ân sự đóng góp và cống hiến của các thầy, cô giáo,…/.
An Nhiên