Sáng nay (05/11), tại Cục đối ngoại Bộ Quốc phòng diễn ra Hội nghị trực tuyến Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 14 (ANCM) với chủ đề: “Hợp tác Hải quân vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” do Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam chủ trì cùng sự tham gia của Tư lệnh, trưởng đoàn Hải quân các nước ASEAN, Quân đội nhân dân Lào.
Chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm (giữa), Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Đây là lần thứ 2, Hải quân nhân dân Việt Nam đảm nhiệm vai trò nước chủ nhà và là lần đầu tiên trong 20 năm, Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN được tổ chức trực tuyến.
Trên cơ sở chủ đề của năm ASEAN 2020, Hải quân nhân dân Việt Nam lựa chọn chủ đề cho Hội nghị năm nay là “Hợp tác Hải quân vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.
“Gắn kết” thể hiện ý tưởng củng cố khối đoàn kết, thống nhất, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa hải quân các nước trong khu vực. “Chủ động thích ứng” là nâng cao năng lực thích ứng trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới và khu vực, tận dụng tốt cơ hội và xử lý hiệu quả các thách thức đặt ra.
Hội nghị tập trung vào trao đổi về các sáng kiến, hoạt động tương lai, thảo luận về chương trình trao đổi kinh nghiệm huấn luyện Hải quân các nước ASEAN; kết nối các trung tâm hàng hải và thành lập lực lượng hàng hải ASEAN.
Hải quân ASEAN thực sự có lợi ích lớn từ các cơ chế an ninh và sáng kiến trong khu vực, những cơ chế và sáng kiến này trở thành công cụ duy trì hoà bình, đặc biệt là Trung tâm chia sẻ thông tin (IFC) cùng diễn tập chia sẻ thông tin (MARISX).
Đô đốc Dato Seri Pahlawan Haji Othman, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Brunei đánh giá IFC là một sáng kiến tuyệt vời do Hải quân Singapore thành lập, đóng góp vào việc cung cấp thông tin các vụ tai nạn hoặc các hoạt động hàng hải trong và ngoài vùng biển ASEAN. Các thông tin và hình ảnh đó đã giúp Hải quân ASEAN có thể đánh giá được các hoạt động hàng hải.
"Thông tin được báo cáo kịp thời trong khu vực giúp Hải quân các nước có đánh giá tốt hơn về bức tranh hàng hải khu vực để thúc đẩy hợp tác, tăng cường hiện diện trên biển để răn đe và tuyên truyền về các mối đe doạ có thể xảy ra. Hải quân Brunei bảy tỏ sự cam kết và ủng hộ đầy đủ bất kỳ nỗ lực hoặc sáng kiến nào nhằm mục tiêu thúc đẩy hợp tác trong ASEAN và duy trì an ninh hàng hải khu vực” - Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Brunei nói.
Cùng với thương mại là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế thì việc duy trị ổn định trên biển trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS) có thể coi là Hiến chương xanh trên biển. Chuẩn đô đốc Lew Chuen Hong, Tư lệnh Hải quân Cộng hoà Singapore cho rằng cần tiếp tục đàm phán, ghi nhớ những nguyên tắc chung về tôn trọng tự do hàng hải, tự kiềm chế và giải quyết các tranh chấp phù hợp với Luật pháp quốc tế và UNCLOS.
"Với tư cách là Tư lệnh Hải quân các nước, chúng ta cần tăng cường các biện pháp thiết thực và hợp tác để tạo thông lệ cho phép chia sẻ vùng biển chung một cách hoà bình. Khi chúng ta sát cánh đóng góp vì một trật tự dựa trên luật lệ, chúng ta tạo ra bệ phóng để khu vực Đông Nam Á phát triển lớn mạnh”- Tư lệnh Hải quân Cộng hoà Singapore nhấn mạnh.
Ngày nay, ASEAN đã trở thành một cộng đồng hợp tác mạnh mẽ, lâu dài dựa trên 3 trụ cột chính trị an ninh, kinh tế, và văn hoá xã hội. ASEAN sẽ là một trụ cột, một trung tâm thương mại và xuất phát từ đó sẽ phát triển ASEAN trở thành một trong những khu vực thịnh vượng trên thế giới. Do vậy, nhiệm vụ của Hải quân ASEAN sẽ nặng nề hơn trong việc bảo đảm an toàn, duy trì an ninh bền vững và hoà bình trong khu vực.
Đô đốc Tea Vinh, Tư lệnh Hải quân Hoàng Gia Campuchia thì cho biết, những thách thức an ninh phi truyền thống trong khu vực Đông Nam Á như tội phạm xuyên quốc gia, thảm hoạ thiên nhiên, buôn lậu trên biển, chủ nghĩa cực đoan đang leo thang. Những vấn đề này không thể giải quyết được bởi một quốc gia đơn lẻ nào; hợp tác và cam kết khu vực mới là cách thức giải quyết hiệu quả. Để đạt được thành quả chung trong việc thúc đẩy an ninh bền vững, Hải quân ASEAN cần phối hợp chặt chẽ với nhau, tăng cường hợp tác thông qua thúc đẩy sự tham gia mang tính xây dựng”.
Về phương hướng cho việc tăng cường hợp tác vì an ninh bền vững trên biển, Đô đốc Tin Aung San, Tư lệnh Hải quân Myanmar đề xuất đẩy mạnh hợp tác an ninh hàng hải trên cơ sở chủ trương, định hướng từ ACDFM, ADMM; Đẩy mạnh hoạt động điều phối nhằm tăng cường hợp tác, nâng cao năng lực để phát triển hải quân các nước nhằm giảm khoảng cách về nguồn nhân lực giữa hải quân các nước; Tăng cường tuần tra chung song phương và đa phương với hải quân các nước láng giềng và trong khu vực; Tương tác với đối tác quốc tế và cơ quan liên ngành trong việc chuẩn hoá siêu dữ liệu, vận hành trung tâm C2 với các thông tin hàng hải hữu ích cho việc thực thi nhiệm vụ, triển khai lực lượng của Hải quân. Tinh thần cộng tác trong ANCM là một nhân tố quyết định triong việc đảm bảo an ninh hàng hải.
Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam khẳng định, trải qua 2 thập kỷ hình thành và phát triển, Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN đã trở thành một trong những diễn đàn thường niên quan trọng hàng đầu về hợp tác Hải quân trong khu vực.
Việc tổ chức hội nghị lần thứ 14 này thể hiện mạnh mẽ cam kết của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong các cơ chế an ninh hàng hải và những nỗ lực, chủ động thích ứng của Hải quân Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, góp phần duy trì môi trường biển hoà bình, ổn định trong khu vực. Trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, Hải quân các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy tốt vai trò, hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương, đa phương trong xây dựng lòng tin và quản lý an ninh khu vực.
Theo kế hoạch, Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN năm 2021 sẽ do Brunei làm chủ nhà; Hải quân Philippine đăng cai Hội nghị diễn tập đa phương AMNEX tiếp theo vào năm 2023 và Malaysia năm 2025./.
Theo VOV.VN